Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 lên 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Cơ sở đưa ra dự báo này là nhờ nhu cầu chống chịu tốt và phục hồi một cách đáng ngạc nhiên ở Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ chính sách Zero COVID-19.
Với nền kinh tế có độ mở cửa lớn như Việt Nam, đây là cơ hội để tận dụng thị trường và không để lỡ nhịp đà tăng trưởng xuất khẩu ngay từ đầu năm.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc đang dần nới lỏng các chính sách xuất nhập khẩu sau những tín hiệu khả quan về kiểm soát dịch COVID-19. Các cửa khẩu phía Bắc đã mở cửa trở lại từ 8/1.
Chỉ riêng tháng đầu tiên của năm nay, ngành rau quả đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, tăng hơn 3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay trong những ngày làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động xuất nhập khẩu đã sôi động tại hầu hết các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới.
Tân Thanh - một trong những cửa khẩu có lưu lượng hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất cả nước. Những xe chở thanh Long, dưa hấu, xoài, mít, tinh bột sắn..., luôn được ưu tiên hỗ trợ thông quan bất kể thời gian nào.
Chỉ riêng tháng đầu tiên của năm nay, ngành rau quả đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tất cả tâm thế, dồn hết lực lượng để chuẩn bị đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cơ quan hải quan bổ sung các lực lượng, các vị trí làm sao đảm bảo lượng hàng xuất được cao nhất trong ngày", ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn, thông tin.
Trung bình mỗi ngày cửa khẩu này thông quan khoảng gần 200 xe nông sản. Còn tại các cửa khẩu khác như: Cốc Nam, cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma và cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không kém phần nhộn nhịp.
Trong tháng 1, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022 với gần 170.000 tấn nông sản.
"Chúng tôi đã bố trí cán bộ trực đảm bảo các quy trình kiểm dịch thực vật để đáp ứng được yêu cầu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản được thuận lợi nhất", ông Trần Văn Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, cho biết.
"Một động thái rất tích cực là liên tiếp trước và sau Tết, hải quan Trung Quốc đã lên kế hoạch cụ thể để làm việc với Việt Nam mở rộng thêm mã số vùng trồng như đối với sầu riêng, khoai lang và cũng đề nghị Việt Nam cung cấp hồ sơ để mở rộng thêm các loại cây khác", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Tận dụng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do
Năm nay được đánh giá là năm có nhiều khó khăn với hoạt động xuất nhập khẩu do kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp. Theo Bộ Công Thương, tận dụng thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Canada là thị trường xuất khẩu rất quan trọng với Việt Nam, nhất là khi hiệp định CPTPP có hiệu lực. Khoảng một nửa các sản phẩm công nghiệp nội địa của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này, qua đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay, thị trường này càng quan trọng hơn, bởi Canada được đánh giá là nước phục hồi khả quan sau dịch bệnh và có tăng trưởng kinh tế cao trong khối G7. Nhiều giải pháp cần được triển khai để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
"Chúng tôi đang xây dựng hệ thống mạng lưới showroom của thương vụ tại các nhà hàng Việt ở khắp các tỉnh bang. Chúng tôi cũng đăng tải trực tiếp trực tuyến để cập nhật thông tin một cách kịp thời về đơn hàng cũng như nhu cầu của thị trường và thị hiếu để các doanh nghiệp của chúng ta có thể kịp thời nắm bắt", bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết.
Nam Mỹ được đánh giá là một trong những thị trường lớn và có nhiều tiềm năng Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới. Đây thị trường còn tương đối dễ tính với dân số đông. Thời gian qua, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng trưởng tốt, nhưng dư địa vẫn còn rất lớn.
"Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có độ mở rất lớn, đã ký kết rất nhiều những hiệp định thương mại tự do đối với các nước và đối với thị trường Nam Mỹ không phải ngoại lệ. Đây cũng là trọng tâm của Chính phủ, của Bộ Công Thương trong thời gian tới là cần tiếp tục đàm phán và ký kết thêm nhiều hơn nữa để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Năm 2022, những khó khăn, biến động toàn cầu của các thị trường đã cho chúng ta những bài học về tận dụng cơ hội từ mọi thị trường cả truyền thống và mới, tiềm năng, cùng phản ứng chính sách nhanh, thích ứng từng thời điểm, từng thị trường. Nhờ vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đã cán đích ngoạn mục và kỷ lục với hơn 730 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của từng ngành, địa phương, trong đó nhấn mạnh cần tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!