Mặt bằng giá cả duy trì ổn định
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 vừa qua tăng 0,33% so với tháng trước do giá lương thực, thực phẩm tăng cao sau ảnh hưởng bởi mưa bão; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới. Dù vậy, mức tăng đột biến chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và ngay sau đó đã lập tức cân bằng trở lại. Hiện cũng hơn một tháng kể từ khi tăng giá điện, mặt bằng giá cả vẫn đang ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.
Nhà bà Hải bán gạo lâu năm ở chợ đầu mối. Trong tháng 10, cũng có lúc gạo tăng giá khi lúa ở nhiều tỉnh thành miền Bắc ngã đổ do bão lũ, sản lượng thương lái thu mua ít, rồi người mua đi cứu trợ tăng đột biến.
Bà Vũ Thị Hải - Tiểu thương Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: “Tăng khoảng một tuần. Còn giá lại ổn định lại. Tôi nói bà con yên tâm là không tăng và miền Nam tiếp ứng ra đầy đủ”.
Với những người mua hàng như bà Lan, nhiều năm làm hàng cơm bình dân, gần như ngày nào bà cũng đi chợ. Nhất cử nhất động của giá thực phẩm bà nắm khá rõ.
Bà Nghiêm Thúy Lan - Quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Trừ những lúc mưa bão ảnh hưởng không có rau củ quả, ảnh hưởng vận chuyển không có thì tăng sau đó lại trở lại bình thường”.
Bà Nguyễn Thị Tú Anh - Phòng kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: “Tại chợ đầu mối, các nguồn hàng của chúng tôi hầu như bình ổn, đảm bảo cho người dân. Hoạt động kinh doanh tại chợ đều bình ổn”.
Để những người bán, người mua ngoài chợ có giá cả ổn định, từ những cơ sở sản xuất, chăn nuôi đã phải đảm bảo ổn định hoạt động và tiết giảm chi phí. Như tại trang trại nuôi gần 5.000 con lợn, chỉ riêng tiền điện mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng. Từ đầu tháng 10, giá điện tăng, tính ra sẽ mất thêm khoảng 6-7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long cho biết: “Thay đổi một chút về giờ sử dụng điện là có thể tiết kiệm vài triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định: “Mức tăng giá điện vừa rồi sẽ tác động vào CPI của quý IV chỉ ở mức là 0,04 điểm % và tác động vào lạm phát của năm 2025 là 0,12 điểm %”.
Bình quân 10 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam chỉ tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cho phép là 4,5%. Dù vậy, giá xăng dầu hiện đang có xu hướng tăng theo giá thế giới. Ngoài giải pháp điều tiết của cơ quan quản lý, nhiều nhà xe cũng chủ động đàm phán với các chủ hàng để chia sẻ.
Anh Chu Thành Đạt - Lái xe tải tâm sự: “Chúng tôi buôn đầu tấn, mỗi đầu tấn bớt cho 50.000 -100.000 đồng để bù vào tiền xăng xe, chi phí đi lại”.
Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ và sự ủng hộ, đồng lòng từ người dân, doanh nghiệp, trong các dự báo cập nhật mới nhất, lạm phát năm nay của Việt Nam sẽ nằm dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi chặt chẽ để ứng phó kịp thời, tránh gây áp lực tăng giá sang đầu năm sau.
Những tháng tới sẽ là thời điểm giá cả chịu áp lực tăng giá do cao điểm mua sắm Tết
Nỗ lực đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán
Những tháng tới sẽ là thời điểm giá cả chịu áp lực tăng giá do cao điểm mua sắm Tết. Điều kiện tiên quyết để giữ mặt bằng giá ổn định chính là tuyệt đối không để xảy ra thiếu hàng, đẩy giá. Mà gốc rễ phải từ khâu sản xuất và phân phối. Cơn bão số 3 vào tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện các trang trại, các hộ gia đình đã khôi phục sản xuất tốt, sẵn sàng nguồn cung cho Tết.
Những tháng gần Tết, nhu cầu về thịt các loại tăng từ 10-15%. Riêng gia cầm, trung bình tháng tết năm nay sẽ tiêu thụ khoảng 210.000 tấn, trong đó hơn 2/3 là thịt gà. Dựa vào nhu cầu và sức mua năm nay, các trang trại hiện đã tái đàn để chuẩn bị nguồn cung.
Bà Cấn Thị Quy - Xã Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội cho biết: “Vào dịp Tết năm nay, gia đình tôi chuẩn bị 5.000 con sẽ ra vào dịp Tết, bán trong vòng tháng Tết. Bán hết đàn này, tôi có thời gian nghỉ chuồng để vào đàn mới”.
Cùng với các loại thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, nhu cầu nông sản, rau xanh dịp Tết cũng tăng mạnh. Thời điểm này, nông dân các vùng trồng rau trọng điểm tất bật xuống giống các loại rau ngắn ngày và chăm sóc rau, chuẩn bị nguồn cung Tết. Các đầu mối thu mua, hệ thống bán lẻ cũng đã lên kế hoạch từ rất sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Bà Phan Thị Hoài Thương - Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long, Hà Nội nêu ý kiến: “Làm việc với các nhà cung ứng để làm sao nguồn hàng ổn định nhất và bình ổn giá nhất. Tiếp theo, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể về những sản lượng rau, từ khâu gieo trồng đến lúc thu hoạch nên chúng tôi đảm bảo nguồn hàng dự kiến tăng trưởng 20-30% . Bên cạnh đó, chúng tôi đang phát triển hệ thống Supra nên chủ động về luân chuyển hàng hóa trong những dịp cao điểm của Tết”.
Theo các trang trại chăn nuôi, hiện giá thịt lợn hơi đang ở mức 65.000 đồng/kg. Vào dịp Tết, giá có thể tăng nhẹ, khoảng 70.000 đồng/kg. Giá rau củ quả, theo các hệ thống bán lẻ vẫn giữ bình ổn giá và có các chương trình khuyến mại cho khách hàng tùy theo từng siêu thị
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!