Không quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 10/11/2022 10:12 GMT+7

VTV.vn - Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Với 434 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 88,96%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về bố cục của dự thảo Luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật có 06 chương, 91 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đáng chú ý, về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. 

Trong khi đó, không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Không quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp tư nhân - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về tên gọi, theo ông Tùng, do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là "Ban Thanh tra nhân dân" như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Không cản trở hoạt động bình thường của tổ chức sử dụng lao động

Liên quan đến nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3) và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 7), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc "việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động"; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu các ý kiến nêu trên và đã bổ sung nguyên tắc việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; tránh gây ra các tác động tiêu cực không mong muốn trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Điều 82. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước

1. Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thực hiện theo quy định chung tại Chương I của Luật này và các quy định cụ thể về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của tổ chức, được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước quy định tại Mục 1 Chương này tại doanh nghiệp, tổ chức mình; thông báo đến tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức và công khai nội dung áp dụng để người lao động được biết.

3. Trong quá trình xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức mở rộng hơn phạm vi, nội dung, cách thức thực hiện dân chủ mà pháp luật quy định nhưng không được trái hoặc hạn chế quyền thực hiện dân chủ của người lao động được quy định trong Luật này và pháp luật khác có liên quan.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước