Khu công nghiệp sinh thái - Tiềm năng thu hút vốn đầu tư

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 06/09/2024 10:23 GMT+7

VTV.vn - Khu công nghiệp sinh thái là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam, tuy nhiên số lượng hiện nay vẫn chưa nhiều.

Tiềm năng phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Những năm gần đây, các khu công nghiệp đang dần "chuyển mình", xanh hơn, trở thành khu công nghiệp sinh thái. Nhắc đến khu công nghiệp sinh thái cần nhắc đến một tiêu chí quan trọng đấy là cộng sinh công nghiệp. Nghĩa là chất thải của doanh nghiệp này lại là đầu vào nguyên liệu, là năng lượng cho doanh nghiệp khác.

Ví dụ chất thải của nhà máy thép là xỉ thép, thay vì phải mang đi xử lý, họ có thể bán cho nhà máy tái chế sản phẩm phụ gia ngành luyện kim cũng ở cùng khu công nghiệp để tái chế tạo thành vẩy thép dùng để sản xuất nam châm. Trong bối cảnh xanh hoá sản xuất đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc, các khu công nghiệp sinh thái là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.

Khu công nghiệp sinh thái - Tiềm năng thu hút vốn đầu tư - Ảnh 1.

Những năm gần đây, các khu công nghiệp đang dần "chuyển mình", xanh hơn, trở thành khu công nghiệp sinh thái. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN

Tại khu công nghiệp Shinec, cây xanh được trồng phủ kín tường, những hàng cây được xếp ngay ngắn tại lối đi. 33% tổng diện tích của cả khu công nghiệp Shinec được bao phủ bởi cây xanh, cao hơn so với mức quy định 10%.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Shinec cho biết: "Vào năm 2018, trong Nghị định 82 có sự phát triển về khu công nghiệp sinh thái, theo xu hướng phát triển bền vững, giảm thải carbon của thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi bám vào tiêu chí để xây dựng và chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái. Phát triển hạ tầng về cây xanh, hạ tầng công nghiệp trở thành hạ tầng sinh thái, di sản".

Không chỉ có cây xanh, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được các khu công nghiệp đặc biệt chú trọng. Không màu, không mùi, đây là nước thải của 170 dự án trong một khu công nghiệp sau khi đã được xử lý. Nước sau khi được nhà máy thải ra sẽ qua 1 bọ lọc gồm 8 bước để xử lý và đảm bảo không gây ra bất kỳ tác động nào tới môi trường. Mỗi ngày hệ thống này có thể xử lý được 6.000m3 đến 12.000 m3 nước thải.

Nhờ các hoạt động hướng tới phát triển bền vững, khu công nghiệp Deep C đã trở thành "điểm đến" của nhiều doanh nghiệp, khi chính họ cũng đang phải đáp ứng các yêu cầu xanh hoá ngày càng cao. Chỉ trong vòng 6 năm, số lượng doanh nghiệp tại đây đã tăng gấp 5 lần.

Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc, Khu Công nghiệp Deep C cho biết: "Đặc biệt với các doanh nghiệp nước ngoài, như các doanh nghiệp đến từ Mỹ hay châu Âu, năm nay đều phải theo một chuẩn báo cáo ESG mới, đảm bảo xanh hoá trong quá trình sản xuất. Hay ngay cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, cũng phải chứng minh được rằng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm đơn vị sản xuất có quan tâm đến con người, có nội địa hóa nguyên liệu đầu vào".

Có hơn 65% doanh nghiệp đánh giá giảm phát thải, chuyển đổi xanh ở mức rất cần thiết và cần thiết. Chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng tất yếu với các doanh nghiệp. Vì vậy, những khu công nghiệp sinh thái được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tháo gỡ rào cản để khu công nghiệp sinh thái phát triển

Dù có tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư, tuy nhiên tính từ năm 2015 đến nay, mới có khoảng 10 dự án đang chuyển đổi, phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Đây là những dự án này nằm trong chương trình thí điểm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện. Dù rất tiềm năng nhưng vì sao số lượng khu công nghiệp hiện vẫn chưa được nhiều, mới dừng lại ở 10 dự án?

Nguyên nhân có thể nói, thứ nhất là do chi phí. Chi phí để đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái thường sẽ cao hơn khu công nghiệp bình thường 20%. Đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cũng như cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư.

Thứ hai, vẫn chưa có những quy định rõ ràng về khu công nghiệp sinh thái. Tất cả mới dừng ở mức định nghĩa và nêu chức năng của khu công nghiệp sinh thái. Vì vậy, trong quá trình các dự án chuyển đổi vẫn gặp phải nhiều thách thức khi vừa làm phải vừa học, nhiều thứ mới nên chưa có hướng dẫn cụ thể hay giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền.

Khu công nghiệp sinh thái - Tiềm năng thu hút vốn đầu tư - Ảnh 2.

Việc có một bộ tiêu chí cụ thể sẽ là "kim chỉ nam" hướng dẫn các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN

Nằm ở vị trí ngay giữa khu công nghiệp, một toubin điện gió có khả năng cung cấp 2.500 mwh điện và giúp giảm đến gần 1.700 tấn khí thải CO2 mỗi năm. Thế nhưng, chủ đầu tư cũng phải mất đến nhiều năm để lắp đặt. Vấn đề nằm ở khâu cấp phép.

Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc, Khu Công nghiệp Deep C, Thành phố Hải Phòng cho biết: "Để xin được giấy phép thi công lắp đặt cột điện gió này chúng tôi đã phải mất 3 năm vì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt cột điện gió trong khu công nghiệp. Vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng nhưng các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ đó. Vì thế nếu muốn xây dựng một khu công nghiệp bền vững vẫn làm được nhưng mất rất nhiều thời gian và công sức".

Hiện vẫn chưa có một bộ tiêu chí quy định cụ thể dành cho hoạt động diễn ra trong khu công nghiệp sinh thái. Việc này khiến các doanh nghiệp "loay hoay" trong quá trình chuyển đổi.

Ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, Thành phố Hải Phòng cho hay: "Chúng ta cần có bộ tiêu chuẩn quy chuẩn đồng bộ để áp dụng cho khu công nghiệp sinh thái như quy hoạch theo quy chuẩn nào, tiêu chuẩn tái sử dụng nước thải như thế nào…".

Việc có một bộ tiêu chí cụ thể sẽ là "kim chỉ nam" hướng dẫn các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cũng tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn hiệu quả và bền vững hơn từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, ví dụ như nguồn tín dụng xanh.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Hoạt động của một khu công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi nhiều các vi phạm pháp luật khác nhau, các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan rà soát các quy định pháp lý, có ý kiến góp ý cụ thể đối với việc sửa quy định pháp luật như quy định pháp luật về môi trường, các quy định pháp luật về tài nguyên nước... để đảm bảo có tiếng nói đồng bộ, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động cộng sinh công nghiệp".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế với nhiều đột phá trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay.

Mô hình Khu công nghiệp sinh thái: Xu thế để phát triển bền vững Mô hình Khu công nghiệp sinh thái: Xu thế để phát triển bền vững

VTV.vn - Mô hình Khu công nghiệp sinh thái - khu công nghiệp xanh đang dần trở thành xu thế toàn cầu và là chìa khóa quan trọng hướng đến phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước