Giai đoạn 1 dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) phối hợp đã cho thấy kết quả khả quan, hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD và cắt giảm được 32.000 tấn khí CO2 mỗi năm. Việc tiếp tục triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều chuyên gia đây là xu hướng tất yếu hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông Bruno Jaspaert, CEO Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, cho biết: "Chúng tôi dự định sẽ đầu tư khoảng 267 triệu USD. Việt Nam là đất nước đang phát triển đầu tiên mà tập trung phát triển các khu công nghiệp sinh thái ở quy mô lớn như thế này. Tôi đánh giá cao bước chuyển mình này của các bạn và thường lấy làm ví dụ cho các nước đang phát triển khác học hỏi".
Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái phải áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tự triển khai kế hoạch xanh hoá sản xuất của mình.
Ông Hideyuki Sakashita, Tổng giám đốc Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam, nói: "Bên cạnh việc phân loại rác, chúng tôi còn thực hiện quay vòng tiết kiệm nước, tức là tận dụng nước thải từ quá trình lọc nước RO để đưa vào tái sử dụng ở quy trình sản xuất khác như rửa nam châm, giúp tiết kiệm được 50% lượng nước. Những sáng kiến này góp phần tạo dựng quy trình sản xuất xanh giúp bảo vệ môi trường và giúp chúng tôi tiết kiệm khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm".
Ông Hiumin Liu, Tổng giám đốc Công ty TNHH USI Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi sử dụng một số chất liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất và điều này khiến chi phí tăng lên 15% nhưng tôi cho rằng những chi phí này là cần thiết để thu được lợi ích to lớn về lâu dài. Hiện nay tất cả khách hàng của chúng tôi đều đưa ra những yêu cầu về thực hiện ESG trong quá trình sản xuất, tức các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái. Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ cần huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!