Bán hàng bằng phương thức truyền hình trực tuyến trên các nền tảng Internet, hay còn gọi là livestream đang ngày càng phổ biến. Đã có cá nhân công bố doanh số mỗi phiên bán hàng giá trị hàng chục tỷ đồng. Nhưng thu thuế bán hàng qua hình thức này vẫn cần giải pháp hiệu quả hơn.
Có 2 cửa hàng thời trang trên phố lớn tại TP Thái Nguyên nhưng theo chị Trâm Anh bán hàng theo lối truyền thống giờ không hiệu quả. Từ nhiều tháng nay, chị đã chuyển sang livestream bán hàng trên Tiktok, Shopee và doanh thu bán hàng đã tăng tới 20%.
Vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà soát từng cá nhân có livestream bán hàng, 1 năm qua, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã thu được 22 tỷ đồng tiền thuế từ kinh doanh thương mại điện tử
"Đã có các cán bộ thuế qua cửa hàng trực tiếp để hướng dẫn. Các anh chị đã cài phần mềm Etaxmobine cho tôi để tôi có thể nộp thuế trên phần mềm đó", chị Trâm Anh chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Thúy - Phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện tại tôi bán hàng trên nền tảng Tiktok không có cửa hàng và bán nhỏ lẻ. Được cán bộ thuế tuyên truyền pháp luật về thuế nên tôi đã chủ động kê khai thuế theo đúng qui định".
Bán hàng bằng phương thức truyền hình trực tuyến trên các nền tảng Internet, hay còn gọi là livestream đang ngày càng phổ biến.
Hiện nay, ngành thuế đang quản lý gần 124.000 người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á với doanh thu 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm sau. Để chống thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh công bằng trên thị trường số, việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử cần thực hiện quyết liệt thường xuyên với các chế tài xử lý nghiêm khắc tránh theo kiểu phong trào chiếu lệ như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!