Đại biểu Quốc hội chất vấn về các phiên livestream bán hàng trăm tỷ

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 04/06/2024 16:02 GMT+7

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn

VTV.vn - Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ Công Thương nhận định thế nào về hiện tượng livestream bán hàng trên TikTok doanh thu 1 ngày hàng trăm tỷ đồng, giá rẻ "hoang mang".

Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Vấn đề quản lý hoạt động thương mại điện tử đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về các phiên livestream bán hàng trăm tỷ - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) thì nêu thực trạng hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Đại biểu đề nghi Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này, qua đó hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trả lời các đại biểu về hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định: "Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này".

Đại biểu Quốc hội chất vấn về các phiên livestream bán hàng trăm tỷ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ Công Thương đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; Yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

Livestream trên TikTok bán hàng trăm tỷ mỗi ngày, cần quản lý ra sao?

Tranh luận về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này để bảo vệ người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về các phiên livestream bán hàng trăm tỷ - Ảnh 3.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam)

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) thì nêu hiện tượng livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như TikTok có doanh thu 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, giá bán rẻ hơn cả đại lý, rẻ đến "hoang mang" không biết hàng thật hay hàng giả. Vậy cơ quan quản lý nhận định và xử lý vấn đề này như thế nào?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream hay bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính.

"Giải pháp là phải phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng, rà soát lại các quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức được và tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái" – Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp, sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, đặc biệt phải tìm những địa điểm mà các đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch để trao đổi chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan công an để kịp thời xử lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước