Kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản

Quỳnh Như-Thứ năm, ngày 09/09/2021 15:53 GMT+7

VTV.vn - Nhiều chuyên gia kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản, đặc biệt đối với các giao dịch sơ cấp, người mua nhà ở thực.

Dịch bệnh kéo dài gần 3 tháng, cùng các quy định siết chặt giãn cách xã hội, khiến giao dịch trên thị trường bất động sản dường như "đóng băng", đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh khoản thị trường bất động sản, nếu kéo dài sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ về "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp và người đi mua nhà.

Dòng tiền của thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do buộc phải dừng tất cả các hoạt động liên quan như thi công công trường, bán hàng…

Hiện tại, khoản vay của các doanh nghiệp bất động sản khá lớn, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, áp lực trả các khoản nợ đến hạn là rất lớn.

Để đảm bảo dòng tiền, hiện các doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét giảm một phần lãi suất trong ngắn hạn; hoặc khoanh, giãn, cơ cấu lại nợ trong vòng từ 3 - 6 tháng.

Kiến nghị hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Dịch bệnh kéo dài gần 3 tháng, cùng các quy định siết chặt giãn cách xã hội, khiến giao dịch trên thị trường bất động sản dường như "đóng băng". (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến doanh thu, giảm 80%, thậm chí đến 100% các dòng tiền thu bán mới. Một số doanh nghiệp có dòng tiền thu của hợp đồng hiện hữu, nhưng cũng không nhiều. Điều này gây áp lực đối với doanh nghiệp khi phải xoay xở dòng tiền để trả những khoản nợ đến hạn đó", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, Tập đoàn Vạn Phúc, cho biết.

"Chỉ trong 1 tháng mà không đủ tiền để trả lương cho người lao động, cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, hay trả cho ngân hàng thì sau 1 tháng, tình hình rất lung lay. Nếu 3 tháng vẫn không trả được những món nợ đó thì hầu như doanh nghiệp kiệt quệ. Nếu sau 6 tháng vẫn không trả được thì họ phải rời bỏ thị trường", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho hay.

Do đó, việc tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản hiện nay là cấp thiết. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nên có các chính sách hỗ trợ tín dụng cho bất động sản, đặc biệt là những người mua nhà trên thị trường sơ cấp, nghĩa là người đang có nhu cầu mua nhà ở thực. Các khoản vay mới hay cũ cũng cần được xếp vào hạng ưu tiên hỗ trợ do tác động của đại dịch.

"Thứ nhất là ưu tiên về mặt lãi suất, ưu tiên về tất cả những điều kiện vay, đó là những món vay mới. Còn những món vay đang hiện diện trên sổ sách của ngân hàng thì món vay đó cần phải được giảm lãi suất, gia hạn kỳ hạn trả nợ", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Ông Hiếu cho rằng việc siết tín dụng, tránh tạo bong bóng vào bất động sản là cần thiết, tuy nhiên ngân hàng chỉ nên siết các khoản vay nhằm mục đích đầu cơ, mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, ông kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có những khoản hỗ trợ tương tư như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để hỗ trợ người mua thu nhập thấp, nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, nguy cơ 'chết trên đống tài sản' Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức, nguy cơ "chết trên đống tài sản"

VTV.vn - Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khối doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, nguồn lực bị bào mòn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước