Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2023
Số liệu của Tổng cục thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào BĐS đã tăng hơn 4 lần.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Cũng theo báo cáo này, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới được cấp phép tại Việt Nam trong 4 tháng qua, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2,6 tỷ USD, chiếm hơn 36% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư hơn 898 triệu USD, tương đương gần 13% tổng vốn; Nhật Bản rót 814 triệu USD, chiếm hơn 11%; Trung Quốc khoảng 740 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 730 triệu USD…
Theo giới chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản chứng tỏ bất động sản vẫn là thị trường tiềm năng, có cơ hội phát triển lớn.
Vẫn còn nhiều dư địa để phát triển
Nhận định về thị trường bất động sản Việt Nam trong việc hút vốn FDI, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực đối với thị trường bất động sản Việt Nam đang rất lớn. Sức hấp dẫn đó của thị trường trong nước đến từ các lợi thế như dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại...
Những yếu tố này đã cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Mặc dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam.
"Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao. Điều này cho thấy nhu cầu về các khu vực sản xuất chất lượng cao đang ngày càng lớn, cùng với các nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt", ông Matthew Powell nhận định.
Về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia Savills, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Động lực rất quan trọng tạo nên sức hấp dẫn mới cho thị trường bất động sản thời gian tới là tác động tích cực của Luật Đất đai sửa đổi kỳ vọng sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024.
Cùng với đó, các luật khung quan trọng liên quan trực tiếp đến thị trường là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng đồng thời có hiệu lực tạo sự đồng bộ về pháp lý cho lĩnh vực này.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất (khoảng 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng) thì bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng. Với riêng các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất và dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!