Nguồn: Business Insider.
Mới đây, ngày 29/9, hãng thời trang Forever 21 đã nộp đơn phá sản theo chương 11. Hãng cho biết sẽ trình đơn đề nghị đóng cửa lên tới 178 cửa hàng tại Mỹ và gần 350 cửa hàng trên toàn cầu. Công ty vẫn tiếp tục kinh doanh qua trang web chính và các cửa hàng còn lại trên khắp các trung tâm mua sắm tại Mỹ.
Thông báo này được theo sau tin đồn rằng Forever 21 đã thuê một đội cố vấn tìm kiếm các cơ hội đầu tư để có thể tái cơ cấu lại thương hiệu. Tuy nhiên, theo Bloomberg, mọi nỗ lực đều vô ích khi vấp phải một số bất đồng giữa các chủ đất và lãnh đạo công ty, bao gồm cả việc nhà sáng lập Do Won Chang khăng khăng duy trì kiểm soát cổ phần trong công ty.
Hãng cho hay: "Chúng tôi hi vọng rằng số lượng lớn các cửa hàng sẽ tiếp tục mở cửa và hoạt động như bình thường và chúng tôi không hi vọng sẽ thoát ly khỏi bất kỳ thị trường lớn nào tại Mỹ".
Phó chủ tịch điều hành của Forever 21, Linda Chang chia sẻ trong một thông cáo rằng: "Đơn phá sản theo chương 11 là một bước tiến quan trọng và cần thiết để bảo đảm tương lai của công ty. Điều này cho phép chúng tôi tái tổ chức bộ máy của Forever 21".
Hiện tại, Forever 21 có hơn 800 cửa hàng trên khắp Mỹ, châu Âu, châu Á, và châu Mỹ Latin, ước tính đem lại lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD hàng năm. Tuy nhiên, việc kinh doanh không hề thuận lợi vào những năm gần đây, bao gồm việc đóng nhiều cửa hàng tại các thị trường quốc tế như London và Trung Quốc.
Forever 21 là nhà bán lẻ mới nhất sụp đổ trong bối cảnh khi mua bán trực tuyến đã làm giảm số lượng người mua tới các trung tâm thương mại. Các khoản nợ và tiền thuê nhà cũng là một gánh nặng lớn cho các nhà bán lẻ truyền thống.
Cho đến nay, theo nghiên cứu của Coresight, chỉ tiêng tại Mỹ, các hãng bán lẽ đã công bố đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt quá con số 5.589 cửa hàng của năm ngoái. Coresight cũng dự đoán cho đến cuối năm 2019, tổng số cửa hàng đóng cửa sẽ lên tới con số 12.000.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!