Kinh tế Eurozone chứng kiến cú "rơi tự do" chưa từng có tiền lệ

Huệ Anh-Thứ năm, ngày 05/11/2020 16:33 GMT+7

VTV.vn - Sự lao dốc tới 8,3% của khu vực này trong năm nay được cho là do chịu tác động lớn từ hệ luỵ của các đợt tái phong toả tại Đức và Pháp.

Quảng trường Gendarmenmarkt là địa điểm du lịch nổi tiếng tại trung tâm thành phố Berlin đã từng đóng góp một lượng lớn doanh thu cho nền công nghiệp không khói của Đức. Lệnh tái phong toả khiến quảng trường này đang phải trải qua khung cảnh vắng lặng, đìu hiu chưa từng có trước đây.

Không khó để bắt gặp hình ảnh các hàng quán đóng băng bởi những chiếc khoá: Khoá bàn ghế, cửa tiệm, thậm chí khoá luôn cả kế sinh nhai của những chủ doanh nghiệp vốn đang chật vật từ những lệnh phong toả trước. Các quán ăn cũng chỉ có thể bán đồ mang về, khi việc tuân thủ các biện pháp giãn cách khiến cửa hàng mất đi không gian phục vụ.

Kinh tế Eurozone chứng kiến cú rơi tự do chưa từng có tiền lệ - Ảnh 1.

Quảng trường Gendarmenmark đìu hiu vì lệnh phong tỏa

Kinh tế Eurozone chứng kiến cú rơi tự do chưa từng có tiền lệ - Ảnh 2.

Địa điểm du lịch nổi tiếng trở nên vắng lặng (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi thường xuyên bán đồ cho khách mang về, nên ảnh hưởng của các lệnh hạn chế mới không quá nghiêm trọng. Mặc dù vậy, doanh thu của cửa hàng vẫn giảm đấy, có thể là gần 50%", chị Sibylle Weis - Quản lý quán cà phê Monsieur Toche cho biết.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, nhà hàng - khách sạn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bốc hơi 5,8 tỷ Euro.

Dự báo của Ngân hàng phát triển quốc gia Đức về đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2020 của nền kinh tế Đức đã không xảy ra, khi quốc gia này đứng trước nguy cơ thiệt hại tới 19,3 tỷ Euro trong đợt phong tỏa thứ hai.

Pháp cũng đang trải qua viễn cảnh tương tự, thậm chí là nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Kinh tế Eurozone chứng kiến cú rơi tự do chưa từng có tiền lệ - Ảnh 3.

Một nhà hàng nhỏ tại Paris phải đóng cửa vì COVID-19. Ảnh: AP.

Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng sẽ không một doanh nghiệp nào phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trong thời gian ngưng hoạt động trở thành điều quá xa xỉ, khi nguy cơ phá sản đã tăng vọt lên 80% so với thời kỳ trước COVID-19. Lo sợ này khiến một số doanh nghiệp bất chấp cả lệnh tái phong toả để tránh vỡ nợ.

Anh Romain Kerrmann - đồng quản lý Câu lạc bộ thể hình Vitalys cho biết: "Chúng tôi không muốn phạm pháp đâu. Chúng tôi hiểu rằng dịch bệnh đang rất phức tạp, nhưng hiện tại vẫn chưa có ca nhiễm mới nào tại các phòng tập thể hình".

Dịch COVID-19 làm tiêu tan nỗ lực của giới chức nước này trong nhiều năm. Thâm hụt ngân sách trong năm 2020 có thể sẽ cao gấp 5 lần so với hồi năm ngoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo, đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone sẽ chỉ có thể đạt 5,2% vào năm 2021, thấp hơn mức 6% trong dự báo trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước