Cú sốc thất nghiệp lịch sử
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cú sốc thất nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. 22 triệu việc làm bị mất, xóa sạch thành quả hơn một thập kỷ tăng trưởng.
Trong đợt đóng cửa hồi đầu năm, hầu như mọi ngành nghề và doanh nghiệp đều cắt giảm nhân viên. Dù đã phục hồi mạnh mẽ sau đó, tốc độ tăng trưởng việc làm đang chậm lại thời gian gần đây.
Các gói kích thích kinh tế kỷ lục
Khó khăn lịch sử, tạo ra những giải pháp chưa từng có tiền lệ. Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích 2,3 nghìn tỷ USD trong tháng 3, lớn nhất từ trước đến nay, nhằm trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình thu nhập thấp và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. FED cũng giữ lãi suất thấp kỷ lục và bơm thêm 900 tỷ USD ra thị trường. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều có hạn chế và giới hạn thực hiện của mình.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cú sốc thất nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. (Ảnh: AP)
Hàng triệu USD tiền hỗ trợ đã chảy vào túi các công ty lớn, đang niêm yết trên sàn. Tiền hỗ trợ nhanh chóng cạn với nhiều doanh nghiệp nhỏ. Số người phải sống nhờ vào ngân hàng thực phẩm liên tục tăng. Thế nhưng nỗ lực thông qua một gói cứu trợ mới liên tục bế tắc suốt nhiều tháng. Đến những ngày cuối cùng của năm 2020, gói cứu trợ thứ 2 trị giá 900 tỷ USD mới đạt được sự đồng thuận từ chính giới và được Tổng thống Trump ký ban hành.
Nền kinh tế Mỹ tăng tốc số hóa
Hàng triệu người Mỹ phải ở nhà đã châm ngòi cho một làn sóng thương mại điện tử bùng nổ, có lợi cho những cái tên như Amazon. Ở chiều ngược lại, nhiều tên tuổi bán lẻ truyền thống chìm sâu trong khủng hoảng. J.Crew trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên phá sản do đại dịch.
Đến những ngày cuối cùng của năm 2020, gói cứu trợ thứ 2 trị giá 900 tỷ USD mới đạt được sự đồng thuận từ chính giới và được Tổng thống Trump ký ban hành. (Ảnh minh họa: AP)
Các hoạt động học tập, làm việc và giải trí trực tuyến gia tăng đã tạo ra cú hích cho những tên tuổi như Zoom hay Nintendo. Nghề vận tải và giao hàng cũng bùng nổ để đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.
Phố Wall liên tiếp lập kỷ lục
Dù lao dốc và rơi vào thị trường gấu hồi tháng 3, chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng "bay cao" trở lại. Lần đầu tiên trong lịch sử, Dow Jones vượt mốc 30.000 điểm nhờ các gói kích thích, đà đi lên của giới công nghệ, cùng các động thái của FED. Thông qua chương trình mua trái phiếu, FED đã bơm thêm hàng trăm tỷ USD hỗ trợ thị trường.
Đó cũng là bức tranh tương phản giữa Phố Wall với phần còn lại của nền kinh tế, nhưng tình hình đang được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn, khi vaccine COVID-19 đã bắt đầu được phân phối trên khắp nước Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!