Theo thông tin từ bài viết đăng trên tờ Tạp chí phố Wall số ra ngày 9/7, tuần qua số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lần đầu đã giảm nhẹ và số người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4.
Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 4/7 đã giảm xuống còn 1,3 triệu, song vẫn là mức rất cao so với mọi mức đỉnh trước đại dịch.
Số người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 27/6 đã giảm xuống còn 18,1 triệu, thấp nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/4. Điều này cho thấy số người bị mất việc làm mới đã phần nào được bù đắp bởi số người có việc làm trở lại.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 5 và tháng 6 đã có 7,5 triệu việc làm mới được tạo ra, bù đắp phần nào tổng số 21 triệu việc làm đã bị mất đi trong tháng 3 và tháng 4.
Bài viết trích ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng việc làm của Mỹ sẽ tiếp tục trong thời gian tới, song với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với 2 tháng trước.
Thị trường lao động Mỹ tiếp tục ảm đạm. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo tờ Thời báo New York, triển vọng tuyển dụng lao động tại Mỹ vẫn còn mịt mờ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những yếu tố đáng lo ngại. Bởi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn tiếp tục ở mức cao, trong khi số lượng việc làm mới tạo ra ở mức thấp và nhiều chương trình trợ cấp sắp đến ngày hết hạn.
Cụ thể, mặc dù số liệu tuyển dụng tăng trong những tuần gần đây, song phần lớn số lao động tạm thời bị nghỉ việc được gọi đi làm trở lại. Trong khi đó, số người mà việc làm của họ đã bị mất đi hoàn toàn và số người phải đi tìm việc làm khác vẫn tăng.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn có kế hoạch cắt giảm nhân công. Cụ thể, United Airlines sẽ cắt giảm 36.000 lao động; Harley Davison cắt giảm 700 lao động và Levi cũng sẽ cắt giảm mạnh nhân công trong những tuần tới. Hãng Brook & Brother vừa nộp đơn xin phá sản, sẽ đóng 50 cửa hàng, trong khi kế hoạch mở cửa trở lại các cửa hàng của McDonald và Apple đã bị hoãn lại.
Quá trình phục hồi này của thị trường lao động Mỹ sẽ kéo dài. (Ảnh minh họa)
Bài viết cũng cho biết nhiều chỉ số cho thấy tiến trình phục hồi trở lại của nền kinh tế Mỹ đã bị mất đà, nhất là tại các bang có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh.
Theo thăm dò của Tạp chí phố Wall, có tới 91% số doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế được hỏi đồng ý với nhận định tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào hiệu quả công tác phòng chống và khả năng kiểm soát dịch COVID-19.
Kết quả trên phần nào củng cố các dự báo trên báo chí Mỹ tuần qua, rằng khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều bang của Mỹ khiến số người nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn còn rất mong manh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!