Nhật Bản đã phê duyệt gói kích cầu bổ sung trong những tháng cuối năm tài khóa 2015 kết thúc vào tháng 3/2016 là 30 tỷ USD. Trước mắt, Nhật Bản sẽ sử dụng gói kích cầu này cho kế hoạch phục hồi kinh tế. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây đã áp dụng biện pháp lãi suất âm để buộc các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động cho vay.
Trong thời gian ngắn sắp tới, sớm nhất là vào tháng 3/2016, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ bằng cách bơm thêm tiền ra thị trường với mục đích chính là chống giảm phát do nền kinh tế đang đi xuống, nguy cơ giảm phát lại quay trở lại đe dọa Nhật Bản.
Các nhà kinh tế đã nhận định, chính sách Abenomics với công cụ chủ yếu là tài chính và tiền tệ sẽ chỉ phát huy hiệu quả trong ngắn hạn và dường như điều này đang trở thành sự thật. Các "mũi tên" khác của Abenomics như: cải cách cấu trúc nền kinh tế, cải tổ doanh nghiệp, gia tăng tỷ lệ sinh là những kế hoạch mang tính dài hạn, nhưng sau thời gian triển khai vẫn chưa đem lại kết quả như ý. Nền kinh tế Nhật Bản đang ở thời điểm hết sức khó khăn do thiếu nhân lực trẻ, mô hình hoạt động già cỗi, thị trường xuất khẩu dậm chân tại chỗ.
Chính phủ Nhật Bản nhìn nhận rõ ràng các vấn đề của nền kinh tế nhưng chưa tìm ra phương pháp giải quyết. Vào thời điểm này, khi tăng trưởng yếu kém, Nhật Bản lại tính đến giải pháp bơm tiền ra thị trường nhằm chống giảm phát, kích cầu tiêu dùng. Những giải pháp này đã được dùng nhiều lần trong những năm 2014 và 2015 nên khó có thể kì vọng sẽ đem đến kết quả đột phá. Việc Nhật Bản chưa thể giải quyết được bài toán lão hóa dân số và tiêu dùng nội địa yếu ớt sẽ khiến đây tiếp tục là những vấn đề lớn của quốc gia này trong năm 2016.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.