Từ 8/1, Trung Quốc sẽ ứng phó với dịch COVID-19 bằng các biện pháp đối với các bệnh truyền nhiễm loại B, thay vì các bệnh truyền nhiễm loại A.
Việc Trung Quốc ngừng xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh và ngừng hạn chế đi lại được đánh giá sẽ góp phần quan trọng để nền kinh tế số 2 thế giới phục hồi mạnh mẽ như một chiếc lò xo được thả ra sau 3 năm bị nén lại do thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Giáo sư Tiết Lan, Đại học Thanh Hoa cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh năm 2023 nhờ được hỗ trợ bởi một loạt chính sách và biện pháp của Chính phủ Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương.
Khả năng phục hồi nền kinh tế số 2 thế giới đến từ sự đa dạng của các lĩnh vực, từ các doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực tiêu dùng vốn bị dồn nén trong suốt 3 năm chống dịch nghiêm ngặt.
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất ô tô ở Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng đồng tình với năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước; cần tạo ra một cú hích lớn để tăng thu nhập người dân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, các hộ tự kinh doanh.
Mục tiêu lớn nhất năm 2023 Trung Quốc đặt ra tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương vào cuối năm 2022 là đưa nền kinh tế về trạng thái tăng trưởng bình thường trong phạm vi hợp lý.
Thông qua các công cụ tài chính, từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã đầu tư 106 tỷ USD vào 2.700 dự án để hỗ trợ nền kinh tế, góp phần tạo đà cho tăng trưởng năm 2023.
Các tổ chức quốc tế như Standard Chartered, Goldman Sachs kỳ vọng năm 2023 GDP Trung Quốc tăng 4,5%. Còn IMF dự báo 4,4%.
Dù còn khá thận trọng do dịch bệnh bùng phát, nhưng nhiều tổ chức nước ngoài đều nhận định khá lạc quan sự phục hồi mạnh mẽ đến từ tiêu dùng, du lịch và giải trí sau khi mở cửa lại với nước ngoài.
Sự phục hồi nền kinh tế số 2 thế giới, theo các chuyên gia quốc tế, sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2023 sau quý I giảm nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!