Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây trở ngại cho kinh tế toàn cầu

PV-Thứ ba, ngày 21/12/2021 18:17 GMT+7

VTV.vn - Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang gây thêm rủi ro cho nền kinh tế thế giới, vốn đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bloomberg Economics dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý 4/2021, sau khi tăng trưởng 4,9% trong quý trước, so với mức tăng trưởng 6 - 7% trước đại dịch.

Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc là do tác động của một số yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên phải kể đến là các vấn đề của thị trường bất động sản. Điển hình là cuộc khủng hoảng của tập đoàn China Evergrande Group khi đã xây dựng, vay mượn quá nhiều và nay đang phải trả nợ, trong khi doanh số bán đang chậm lại.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây trở ngại cho kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Bất động sản hiện chiếm khoảng 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, nhưng đang tụt dốc không phanh. Việc siết kiểm soát với các hãng bất động sản bắt đầu năm 2020 càng khiến các hãng lao đao, nhất là những công ty đã đi vay quá nhiều. Nhiều tên tuổi thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản. Những vấn đề của lĩnh vực này đã gây sức ép lớn đối với toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc kiềm chế lĩnh vực công nghệ, tài chính, giáo dục và giải trí đã khiến cổ phiếu bị bán tháo. Vốn hóa các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu từng "bốc hơi" hàng nghìn tỷ USD. Nó cũng châm ngòi cho làn sóng sa thải tại nhiều doanh nghiệp, gây sức ép lên lĩnh vực việc làm khi Trung Quốc đang hồi phục trong đại dịch.

Dù năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng, nhưng năm nay GDP của nước này lại tăng chậm hơn dự kiến. Trung Quốc cũng chịu sức ép từ các đợt bùng phát COVID-19 liên tiếp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tình trạng thiếu điện... Tốc độ tăng trưởng hiện nay không theo hình chữ V như dự báo sau khi giảm vào năm 2020.

Theo các nhà phân tích, vào năm 2022, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.

Ngày 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lần đầu cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn trong vòng 20 tháng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn nhanh chóng "bay hơi".

Nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg cho rằng, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể và các biện pháp kích thích vẫn chưa được thực hiện. Trong khi Mỹ đang phải giải quyết tình trạng thiếu 5 triệu việc làm và lạm phát cao nhất trong 30 năm, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang gây thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, với các nền kinh tế lớn, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa gây tác động. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Mỹ trong quý 4 sẽ đạt 4,6%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức cũng sẽ đạt mức tương tự. Kinh tế Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, tình hình của các thị trường mới nổi ít ấn tượng hơn. Kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm lại khi đà phục hồi ban đầu yếu đi.

Điều đó có nghĩa hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ khép lại năm nay với GDP vẫn chưa đạt mức trước đại dịch.

Trung Quốc ưu tiên ổn định kinh tế năm 2022 Trung Quốc ưu tiên ổn định kinh tế năm 2022

VTV.vn - Chiều tối 10/12, Hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên tại Trung Quốc đã kết thúc sau 3 ngày họp tại Bắc Kinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước