PBoC hạ lãi suất cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm từ mức 3,85% xuống 3,8%, nhưng giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.
Đây là lần đầu tiên PBoC giảm lãi suất kể từ tháng 4/2020, giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 ở nước này. Động thái của Trung Quốc đi ngược với xu hướng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khác hiện nay là tiến tới thắt chặt để chống lạm phát.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Gần đây, Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm là vào tháng 4/2020. Sự thay đổi lãi suất cho vay chuẩn sẽ tác động tới lãi suất của các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình.
Tuần trước, PBoC cũng đã cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giúp tiền được bơm thêm ra nền kinh tế. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc giảm tỷ lệ tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Một số nhà phân tích cho rằng lãi suất của Trung Quốc có thể giảm nhẹ hơn nữa để ngăn chặn khả năng suy giảm kinh tế, mặc dù vẫn có sự không thống nhất về quỹ đạo hạ lãi suất này.
Việc PBoC hạ lãi suất không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, bởi kinh tế Trung Quốc gần đây có nhiều dấu hiệu giảm tốc, đòi hỏi triển khai các biện pháp hỗ trợ bằng cả chính sách tài khoá và tiền tệ. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng thanh khoản đang có chiều hướng lan rộng và leo thang trong ngành bất động sản Trung Quốc cũng khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh lo ngại.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới vượt qua được cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên năm nay, đặc biệt là từ tháng 7, kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt do tiêu dùng yếu, chính sách “zero Covid”, và các quy chế giám sát thắt chặt, đặc biệt đối với các công ty trong lĩnh vực bất động sản.
Việc PBOC nới lỏng đồng nghĩa chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngược chiều trong năm tới, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang rút lại các biện pháp kích thích tăng trưởng. Trong cuộc họp tuần trước, FED tuyên bố đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
Không chỉ FED thắt chặt, tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng nâng lãi suất để chặn đà leo thang của lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!