Kinh tế tuần hoàn: Cuộc chiến dài hơi, cần sự nỗ lực của nhiều bên

VTV Digital-Thứ năm, ngày 06/05/2021 06:48 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Liên minh Tái chế Việt Nam khẳng định kinh tế tuần hoàn là cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên mới có thể thành công.

Khởi đầu với 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì, hiện nay nay Liên minh Tái chế Việt Nam đã lên tới 18 thành viên. Đây có thể nói là một trong những ví dụ nổi bật và rõ nét nhất của cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, với tầm nhìn vào năm 2030.

Điều này càng có ý nghĩa khi lần đầu tiên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhắc tới khái niệm kinh tế tuần hoàn, cho thấy sự quan trọng của mô hình phát triển kinh tế này, nghĩa là những thứ vứt bỏ đi sau quá trình sản xuất có thể tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một quy trình sản xuất mới.

Chuyển biến mới về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất

Lượng lá trà sau khi cho vào sản xuất để làm nước giải khát đã được doanh nghiệp bán lại xác trà cho các đối tác để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất ra gạch và phân bón. Khoảng 2 năm nay, trung bình mỗi tháng, gần 160 tấn xác trà được doanh nghiệp tái sử dụng theo cách này.

Kinh tế tuần hoàn: Cuộc chiến dài hơi, cần sự nỗ lực của nhiều bên - Ảnh 1.

Đại diện đơn vị cũng cho biết, sau khi trở thành 1 trong 12 doanh nghiệp thành viên chủ chốt của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), tỷ trọng bao bì có thể tái chế tại doanh nghiệp hiện được nâng lên mức 70%, là minh chứng cho thành quả từ nỗ lực hợp tác giữa các thành viên trong Liên minh.

"Hầu như tất cả những loại nguyên liệu đi ra từ quá trình sản xuất được chúng tôi nỗ lực bắt tay với các đối tác để tái sử dụng, để không phải thải ra các bãi chôn lấp hay đại dương. Chúng tôi cũng đang từng bước nâng tỷ trọng thay thế nhựa PET bằng các loại nhựa tái chế trong đóng gói, từ mức 10% lên 50% trong những năm tới đây", ông Laurent Levan - Chủ tịch, Tổng Giám đốc URC Việt Nam, cho biết.

Để hiện thực hóa mục tiêu trong 10 năm tới của PRO Vietnam, các thành viên sẽ đóng góp một quỹ chung có quy mô cả triệu USD mỗi năm, dùng nguồn tiền này để thay đổi nhận thức xã hội và đặc biệt là xây dựng một quy trình thu gom - tái chế tại Việt Nam. Hiện quy trình này đã được chuẩn bị xong và sẽ chạy thử nghiệm với các công ty môi trường, siêu thị, chủ dự án bất động sản trong vài tháng tới.

"Chúng tôi không quá chú trọng vào số lượng bao bì thải ra được thu gom trong giai đoạn thử nghiệm tới đây, mà quan trọng nhất chính là sự học hỏi và thay đổi nhận thức chúng ta có được trong quá trình thử nghiệm này. Khi cùng với các đối tác thực sự bắt tay vào việc thu gom và tái chế bao bì, chúng ta sẽ học được nhiều bài học thực tiễn và sau đó việc mở rộng quy mô thu gom mới có thể diễn ra", ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam, nhận định.

Vị Phó Chủ tịch Liên minh này cũng nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là cuộc chiến dài hơi và không thể ra kết quả trong một sớm một chiều, đòi hỏi nỗ lực tất cả các bên mới có thể thành công. Kinh nghiệm tại các nước châu Âu dù đã đi trước vài chục năm, nhưng hiện tỷ lệ bao bì được tái sử dụng trên toàn thị trường cũng chỉ từ 60 - 80%.

Kinh tế tuần hoàn - Cú hích thay đổi thói quen người tiêu dùng

Tái chế là cuộc chiến dài hơi và cần sự tham gia của tất cả các bên, bởi nhiều lý do, trước tiên là chi phí. Đơn giản như bao bì nhựa chẳng hạn, nếu dùng nhựa tái chế để sản xuất thì chi phí có thể cao hơn tới 30% so với nhựa thông thường, vì vậy tính cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Kinh tế tuần hoàn: Cuộc chiến dài hơi, cần sự nỗ lực của nhiều bên - Ảnh 2.

Tái chế là cuộc chiến dài hơi và cần sự tham gia của tất cả các bên. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Quan trọng hơn cả là khâu thu gom. Cứ mỗi khi dùng xong một chai nước, làm thế nào để nhà sản xuất có thể thu gom vỏ chai mà không bị lẫn vào các loại rác khác là một bài toán khó, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của doanh nghiệp, chính quyền, đặc biệt là ý thức của từng người dân.

Từ đầu năm, một doanh nghiệp nhựa đã tiến hành giai đoạn vận hành thử nghiệm nhà máy tái chế nhựa với quy mô dự kiến 60 tấn nhựa/ngày. Là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, theo đại diện doanh nghiệp, tiềm năng là rất lớn, dự kiến sẽ còn mở rộng gấp 5 lần trong 4 năm tới.

"Nâng cao nhận thức người dùng là vấn đề quan trọng nhất thời điểm này. Hệ thống tái chế tại Việt Nam vẫn còn sơ khai, công tác thu gom gần như chưa có. Vì thế, từ góc độ chúng tôi làm tái chế nhựa, thay đổi mẫu mã bao bì và tiết giảm tối đa chi phí là những gì phải làm", ông Russell Gray, Giám đốc Vận hành, Công ty CP Ngọc Nghĩa, cho hay.

Vì vậy, kinh tế tuần hoàn không nhìn nhận ở góc độ bài toán kinh tế khô cứng, mà là sự đầu tư trong dài hạn để vươn tới phát triển bền vững, chỉ có sự đồng bộ của từng mắt xích, trong đó có từng người tiêu dùng, kinh tế tuần hoàn mới đạt được hiệu ứng lan tỏa.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, là sự khẳng định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân, phải tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam, nhằm phát triển thành công kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn ngày càng rõ nét trong nông nghiệp Kinh tế tuần hoàn ngày càng rõ nét trong nông nghiệp

VTV.vn - Ở Việt Nam, nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất vòng tròn khép kín mang nhiều giá trị bền vững của mô hình kinh tế tuần hoàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước