Kinh tế tuần hoàn cũng chính là chìa khóa để giải bài toán làm thế nào sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, ít nguyên vật liệu nhất nhưng lại sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất, đồng thời lại là các sản phẩm thân thiện môi trường.
Hiểu nôm na đó là khi bạn mua điện thoại mới rất có thể chiếc điện thoại sẽ đến lúc bị hỏng và cho vào sọt rác. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn là thay vì dùng xong rồi vứt đi thì thứ đáng ra bị vứt đi đó được tái tạo để bắt đầu một vòng đời mới.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín. Vì vậy, trong vài năm trở lại đây, mô hình inh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã và đang được đặc biệt quan tâm.
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới kinh tế tuần hoàn
Nhà máy sản xuất của công ty Plastic People mỗi ngày sử dụng khoảng 1,2 tấn rác thải làm nguyên liệu. Những sản phẩm này là thành quả của nhiều lần nghiên cứu và thử nghiệm để có thể trở thành vật liệu xây dựng hay nội thất. Sau hơn 1 năm hoạt động, công ty cũng đã có được lượng khách hàng nhất định.
"Việc thu gom rá thải có thể nói là thách thức lớn nhất của hoạt động kinh doanh. Khi rác là trở thành nguyên liệu sản xuất, chúng tôi phải đảm bảo đầu vào nguyên liệu, phải kết hợp chặt chẽ với các nhóm, tổ chức và các nhóm có năng lực phân loại chất thải nhựa từ đầu nguồn. Từ đó, cho ra đời những sản phẩm nguyên liệu thuần chất hơn và sản phẩm cũng sẽ chất lượng hơn", ông Nano Morante - Người sáng lập - Công ty TNHH Plastic People nói.
Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín. Ảnh: VOV
Sản phẩm từ rác thải nhựa đạt được ưu điểm tốt về độ bền, nhẹ và chống ồn hơn. Tuy giá thành sản phẩm đang cao hơn khoảng 10% so với vật liệu thông thường nhưng theo những người sáng lập khi có thể sản xuất quy mô lớn đây không còn là vấn đề.
Còn với doanh nghiệp Vạn Lợi đang vận hành dây chuyền sản xuất nhôm với công suất tới 60.000 tấn mỗi năm cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, nguyên liệu nhôm nhập khẩu hiện chỉ chiếm chưa tới 20% đầu vào sản xuất. Phần lớn nguyên liệu còn lại chủ yếu đến từ việc tái chế.
Theo các chuyên gia, ngành nhôm có ưu thế hơn các ngành khác như nhựa hay dệt may khi mà chất lượng sản phẩm sau tái chế ít bị suy hao. Đặc biệt là tại thời điểm này, khi nguyên liệu đầu vào đang tăng giá chóng mặt, việc gia tăng sản xuất tái chế - tuần hoàn cho thấy ưu thế rõ rệt.
Lời giải cho “bài toán” phát triển bền vững
Nhìn tổng thể cả nền kinh tế, theo tính toán của Ngân hàng thế giới, năm 2019 chỉ riêng ô nhiễm nguồn nước đã gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Do đó việc dịch chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam có thể giải quyết được nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và sớm đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Ý thức được trách nhiệm này, một bước đi đáng chú ý nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm trở lại đây đó là sự hình thành và đi vào hoạt động của Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO Vietnam), khởi đầu với 9 thành viên và hiện giờ đã là 13 thành viên này đây. Liên minh có mục tiêu tối thượng là tới năm 2030, 100% bao bì sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên sẽ được thu gom và tái chế.
Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam có thể giải quyết được nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và sớm đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ảnh minh họa - Dân trí
Ông Fausto Tazzi- Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: "Vai trò của Nhà nước là đề ra các mục tiêu, đảm bảo các tổ chức, công ty tham gia và Nhà nước kiểm soát quá trình thực hiện. Ví dụ, cuối năm nên đánh giá lại các mục tiêu về tái chế đề ra có đạt được hay không? Có chế tài phạt nếu họ không đạt cam kết. Điều chính phủ không nên làm đó là: Thứ nhất là thu tiền; Thứ 2 là tái chế. Tôi nói như vậy bởi vì việc tái chế nên giao cho các công ty chuyên nghiệp vì họ biết cách làm tốt nhất.
Còn về cơ chế tài chính, nếu công ty tự phải trích nguồn chi phí để quản lý khắc phục tác động môi trường, họ sẽ phải có trách nhiệm và quan tâm đến việc những chi phí phải chi ra. Nếu chỉ là trung chuyển tiền về cho Nhà nước, các công ty cũng sẽ giảm trách nhiệm với việc tái chế khi họ cho rằng đã đóng một khoản tiền là đủ. Nó không phụ thuộc vào số tiền mà doanh nghiệp phải trả, mà doanh nghiệp được đánh giá dựa trên kết quả họ làm được".
"Kế hoạch của chúng tôi là mở rộng việc kinh doanh. Xây dựng các mạng lưới có thể kết hợp với các bên liên quan, mở rộng ra ở cả những thành phố khác. Tôi nghĩ trong nền kinh tế tuần hoàn Nhà nước xây dựng các vấn đề pháp lý, doanh nghiệp là động lực chính và cần sự tham gia của cộng đồng để có thể có nguồn nguyên liệu tốt", ông Néstor Catalán - Người sáng lập - Công ty TNHH Plastic People cho hay.
Khảo sát từ một đơn vị đối tác của PRO Vietnam cho thấy, nếu chi phí sản xuất ra 1kg bao bì vỏ hộp là 1.000 đồng/kg, chỉ riêng việc thu gom rác bao bì về đã mất 2.000 đồng/kg. Còn để làm ra sản phẩm cuối cùng, ví dụ như gỗ tái chế thì lên tới 10.000 đồng/kg bao bì. Vì vậy, lợi ích kinh tế tuần hoàn không bao giờ nằm ngay trước mắt nhưng sẽ mang lại lợi ích về lâu dài.
Kinh tế tuần hoàn được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng không chỉ cho thấy tầm quan trọng của mô hình này, mà sẽ còn là cơ sở quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ công - tư chặt chẽ, là động lực để toàn xã hội theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!