Nhắc đến Venezuela, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến "lò sản xuất" hoa hậu số 1 thế giới. Venezuela cũng là một trong các trụ cột của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC với trữ lượng đứng hàng thứ nhì thế giới. Nhưng thực tế, quốc gia Nam Mỹ này đang đứng rất gần bờ vực suy thoái.
Có nhiều nguyên nhân đẩy kinh tế Venezuela vào tình cảnh khốn khó như hiện tại. Lạm phát tăng nhanh kỉ lục, lên đến hơn 60%. Chính phủ phát hành trái phiếu nhằm tăng thanh khoản ngoại tệ nhưng nguồn thu ngân sách lại không đủ để trả lãi trái phiếu.
Ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát triển nhất của Venezuela, chiếm 95% tỷ trọng xuất khẩu và mang về 40% nguồn thu ngân sách cho nước này, cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Không thể mở rộng khai thác khiến sản lượng dầu của Venezuela chỉ ở mức thấp. Chưa kể, khi giá dầu thế giới giảm mạnh, nền kinh tế Venezuela đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do ngành dầu lửa không tạo đủ doanh thu để trang trải cho các chương trình trợ giá ở nước này.
Mức dự báo tăng trưởng âm 3,5% trong năm nay khiến một nền kinh tế yếu ớt không đủ sức chống chọi với những tác động bên ngoài; một đồng tiền mất giá cùng với mức lạm phát cao ngất và ngay cả người dân bình thường ở Venezuela cũng phải oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề của tình trạng kinh tế trì trệ.
Ít ai có thể ngờ rằng, kinh tế của Venezuela đã tụt dốc nhanh như vậy chỉ trong vòng 2 năm qua, tất cả mọi mặt của đời sống, xã hội hay chính trị đều bị ảnh hưởng. Tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Nicholas Maduro đã giảm chỉ còn 30%. Đứng trước quá nhiều áp lực, đầu tháng trước ông Maduro đã cam kết sẽ cải tổ nền kinh tế Venezuela để thoát khỏi khủng hoảng bằng các chính sách trợ giá và tăng lương tối thiểu nhằm gia tăng sản xuất và sức tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều hoài nghi xung quanh sự hiệu quả của những chính sách này.
Video sau đây sẽ phản ánh chi tiết về vấn đề này:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.