Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 17/12/2023 12:28 GMT+7

VTV.vn - Những tháng gần về cuối năm 2023 đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực sau thời gian dài khó khăn.

Nguồn vốn rẻ ngày càng dồi dào

Kinh tế đang chuyển biến tích cực khi hoạt động của các doanh nghiệp được cải thiện. Nắm bắt nhu cầu vốn tăng trong mùa cao điểm, các ngân hàng đang tích cực "đo ni, đóng giày" cho doanh nghiệp với quy mô và hình thức cho vay linh hoạt.

Theo tờ Thời báo Ngân hàng, việc ngân hàng tăng hạn mức tín dụng là hành động rất kịp thời để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền. Giảm lãi suất cho vay sẽ giảm chi phí kinh doanh, trong khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ khuyến khích tăng trưởng sản xuất và kinh doanh cao hơn nữa.

Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang tích cực "đo ni, đóng giày" cho doanh nghiệp với quy mô và hình thức cho vay linh hoạt. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo tờ Diễn đàn doanh nghiệp, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Như vậy, lãi suất đang có xu hướng điều chỉnh rất tốt, qua đó cũng giúp các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng hơn.

Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các ngân hàng thương mại và ngân hàng quốc doanh cũng đã giảm sâu so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng vì các kênh khác như chứng khoán hay bất động sản trầm lắng khiến người dân e dè đầu tư. Vàng cũng không phải là kênh đầu tư ổn định, trong khi ngoại tệ chỉ dành cho những người được phép kinh doanh. Vì vậy, tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng, theo báo Nông thôn ngày nay.

Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là lãi suất cho vay ở một số ngân hàng trước đó còn khá cao. Theo báo Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng, lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai mặt bằng lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động là cần thiết nhằm gia tăng sự minh bạch, giúp cho các doanh nghiệp, người dân có cơ sở so sánh, lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.

Nhộn nhịp thị trường lao động

Kinh tế chuyển biến tích cực nên thị trường lao động tại TP Hồ Chí Minh sau thời gian dài trầm lắng đã nhộn nhịp trở lại vào những tháng cuối năm khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng và đang tuyển dụng lao động để phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Ghi nhận của báo Tiền Phong tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất cũng bắt đầu tuyển dụng lao động với mức lương và chế độ phúc lợi hấp dẫn. Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần hơn 81.000 chỗ làm việc.

Qua khảo sát của Navigos Group (đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam) cho thấy, mặc dù có những biến động trong thị trường nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết, vẫn sẽ tuyển dụng thêm 25% nhân sự trong năm tới, theo báo Sài gòn giải phóng.

Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực - Ảnh 2.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần hơn 81.000 chỗ làm việc. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Gạo Việt lập kỷ lục lịch sử

Hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang vừa kết thúc chuỗi sự kiện Festival tôm và lúa gạo quốc tế. Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là Festival quốc tế. Festival càng vui hơn trong bối cảnh giá gạo Việt lập kỷ lục lịch sử.

Theo tờ Nông thôn ngày nay bình luận: Với những chủ trương, chính sách đúng đắn kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của các cấp chính quyền, sự cống hiến của các nhà khoa học, đội ngũ doanh nhân, đặc biệt là sự lao động một nắng hai sương của hàng triệu nông dân, cây lúa, hạt gạo đã thu về cho đất nước hàng tỷ USD mỗi năm. Năm nay, cao nhất ước tính sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, thu về khoảng 4,6 tỷ USD.

Thị trường lúa gạo đang rất thuận lợi. Lần đầu tiên, Việt Nam vượt qua Thái Lan về giá gạo xuất khẩu và đặc biệt là sau khi gạo ST25 lần thứ hai đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Trước đó, nhiều địa phương đã tích cực làm thương hiệu lúa gạo. Chẳng hạn thương hiệu Nàng Thơm Chợ Đào ở Long An đã được cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu; thương hiệu Gạo sạch Thạch Phú của Bến Tre được tổ chức FAO chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và Tiền Giang đang tích cực xây dựng thương hiệu Gạo Gò Công…

Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực - Ảnh 3.

Lần đầu tiên, gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan về giá gạo xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo báo Tuổi trẻ, thời gian qua, Việt Nam cũng đã nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và cũng tốn nhiều chi phí cho việc này nhưng chưa thành công.

Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 mà Chính phủ vừa ban hành được công bố tại Festival Quốc tế Lúa gạo Việt Nam - Sự kiện truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26. Đề án là trách nhiệm, tấm lòng, việc phải làm đối với bà con nông dân, với ngành lúa gạo của Đảng, Nhà nước và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Con tôm, cây lúa miền Tây nhộn nhịp vào mùa lễ hội

Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực - Ảnh 4.

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, quá trình triển khai Đề án sẽ thực hiện thí điểm một số những chính sách mới như chi trả tín chỉ carbon, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo. Quá trình triển khai đề án này chính là nấc thang để đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng.

Trước Festival lúa gạo Việt Nam, hàng loạt các loại nông - thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa lễ hội như: Ngày hội Mắm Châu Đốc (An Giang); Lễ hội Cá tra, Lễ hội Xoài (Đồng Tháp); Cà Mau thì có Ngày hội Cua và Festival Tôm…

Tại lễ hội sẽ có các sự kiện đều hướng đến việc nhận diện, xây dựng thương hiệu để tiếp cận thị trường và tôn vinh những người làm ra nông sản. Nhưng giá trị, thương hiệu và cả doanh số mang về có thực sự nâng lên hay không, có thực sự đủ tiêu chuẩn để vào được các thị trường khó tính? Đó mới là điều cần nhìn lại sau mỗi kỳ lễ hội.

Sau Ngày hội Cua, giá cua và sản lượng tiêu thụ cua ở Cà Mau lại quay về với nhịp thị trường như cũ, chưa thể liên kết chuỗi sản phẩm cung - cầu bền vững. Cá tra và xoài sau Lễ hội vẫn không thoát khỏi cảnh lận đận với thị trường. Những lễ hội trái cây cũng không thể là cứu cánh cho người làm vườn, theo báo Quân đội Nhân dân.

Sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải, không những sẽ có giá trị cao, phát triển bền vững mà còn khẳng định vị trí, thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường quốc tế mà những lễ hội nên hướng tới, báo Lao động bình luận.

Khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam Khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam

VTV.vn - Lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với chủ đề ''Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam'' đã diễn ra tối 12/12.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước