Hướng dòng vốn vào phục hồi sản xuất
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới nhận định dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu tốt.
Ngân hàng Thế giới đánh giá cao tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam khi đã tăng lên 8,5% trong tháng 2. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ. Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Kinh tế trên đà hồi phục, doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh… Cùng với đó, nhu cầu vốn tăng mạnh. Hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 2,65%, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua, và cao gần 1,5 lần mức tăng trưởng tín dụng chung trên cả nước. Việc tăng tốc ngay từ đầu năm này cho thấy một bức tranh khá lạc quan về triển vọng của đầu tàu kinh tế cả nước.
Từ đầu năm tới nay, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai đã giải ngân được 30 tỷ đồng vốn lưu động vay ngân hàng để mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất, kỳ vọng sẽ đưa doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ít nhất 20% trong năm nay.
"Năm 2022 là năm bứt phá đối với tất cả doanh nghiệp muốn phát triển kinh doanh để bù lại những gì chưa đạt được trong năm 2021, nên hỗ trợ ngân hàng từ các khoản vay là cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào", ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, chia sẻ.
Có nhu cầu mở rộng đầu tư kho lạnh, vận tải… tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đầu năm nay, Công ty Cổ phần Giải pháp Thương mại ABA (ABA Cooltrans) tăng quy mô vốn vay hơn 30% so với năm 2021.
"Chi phí tài chính là một trong những chi phí khá lớn, nên việc ngân hàng điều chỉnh từ 0,5 - 1% là một trong những khoản giúp chúng tôi rất nhiều", bà Trần Thị Thu Mai, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Thương mại ABA (ABA Cooltrans), cho biết.
Để đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bên cạnh các nhóm giải pháp liên quan đến chi phí tài chính, như giảm lãi vay, miễn phí giao dịch…, rất cần sự linh hoạt trong phê duyệt hồ sơ tín dụng.
"Trước đây chúng ta có thể đánh giá doanh nghiệp tăng trưởng hay lợi nhuận tăng trưởng như thế nào, nhưng trong 2 năm COVID-19 liên tục, không loại trừ doanh thu giảm, lợi nhuận giảm thì chúng ta cần chính sách phù hợp, đồng hành cùng với họ, để đôi bên cùng có lợi", ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt, cho hay.
Những năm trước, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thường dưới 1%, nhưng năm nay đã đạt 2,65% và dự kiến sẽ tăng thêm 1% trong tháng 3.
"Tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo đó, tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực này chiếm khoảng 67 - 70%. Tín dụng ở lĩnh vực công nghiệp chế biến tăng 5%; nhà hàng, ăn uống, lưu trú đạt gần 9%", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, thông tin.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh cách chính sách chung, sẽ đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn, với lượng vốn cam kết 424.000 tỷ đồng.
Kiểm soát và kiềm chế lạm phát
Nỗ lực phục hồi kinh tế cũng đang gặp phải khó khăn, đó là sự biến động lớn của giá cả hàng hóa trên thế giới.
Từ đầu năm, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng, nguyên, nhiên liệu trên thế giới đã có những biến động mạnh và tác động không nhỏ tới mặt bằng giá trong nước.
Vấn đề đặt ra lúc này đối với công tác điều hành là vừa phải linh hoạt, chủ động, nhưng đồng thời vẫn phải kiềm chế được lạm phát và sự gia tăng của giá cả, nguyên, nhiên, vật liệu. Nếu không có sự quyết liệt trong điều hành, chắc chắn đà tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước còn tăng hơn hiện tại.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới đã có mức biến động rất mạnh, tăng từ 44 - 60% tùy mặt hàng. Tuy nhiên sự biến động về mặt hàng được coi là bánh mì, đầu vào của nền kinh tế này ở trong nước chỉ dao động từ 20 - 39%. Thêm vào đó, từ 1/4, mỗi lít xăng dầu sẽ được giảm thêm khoảng 2.000 đồng, do giảm phí bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng, nguyên, nhiên liệu trên thế giới đã có những biến động mạnh và tác động không nhỏ tới mặt bằng giá trong nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chính phủ trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết để chúng ta giảm ngay thuế bảo vệ môi trường, trong đó dự kiến giảm 50%, tức giảm khoảng 2.000 đồng/lít xăng. Điều quan trọng là khi kiểm soát được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô thì sẽ giúp cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng trở lại", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Chấp nhận việc ngân sách nhà nước sẽ giảm thu gần 30.000 tỷ đồng khi áp dụng giảm phí bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu. Tuy nhiên chính sách này và nhiều chính sách khác, như giảm thuế VAT, giữ ổn định mặt bằng lãi suất… đã được đánh giá cao, vì vừa thể hiện sự chủ động, linh hoạt; đồng thời còn thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Sức ép giá cả, áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, nên lúc này sự ổn định kinh tế vĩ mô càng trở nên quý giá và ý nghĩa. Do đó, việc Việt Nam vẫn kiên định và giữ sự ổn định kinh tế vĩ mô đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự điều hành một cách linh hoạt, với nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, giá cả nhiều loại mặt hàng trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát.
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định nhờ sự điều hành linh hoạt
Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang thực hiện các biện pháp để chống lại lạm phát tăng cao, như mới đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa phải tăng phạm vi lãi suất cơ bản cùng một loạt đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, với Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định nhờ sự điều hành linh hoạt giúp đảm bảo những trụ cột như: xuất khẩu, thu hút đầu tư và tiêu dùng trong nước.
"Rủi ro về lạm phát, sự thay đổi toàn cầu sắp diễn ra theo hướng thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm tính linh hoạt trong chính sách. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. Sự phục hồi của Việt Nam sẽ tăng tốc rõ rệt vào năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Dự báo tăng trưởng là 6,7% cho năm 2022. Bối cảnh hiện nay cho thấy những thách thức không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, đó là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định.
Ngân hàng Standard Chartered đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc giữ nguyên lãi suất, qua đó giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và quản lý rủi ro lạm phát. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Kết thúc tháng 2 xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự phục hồi vững vàng. Xuất khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, cho thấy các yếu tố bên ngoài Việt Nam đang rất khả quan. Tuy nhiên Việt Nam cần thận trọng trong bối cảnh giá nguyên, vật liệu tăng cao, ngành hàng điện tử thường xuyên cần nhập khẩu. Chúng tôi đánh giá cao gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thúc đẩy sản xuất, đầu tư được triển khai sớm ngay trong quý đầu năm nay. Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đánh giá.
"Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để phục hồi kinh tế nên dư địa cho 2 chính sách này sẽ bị hạn chế. Trong bối cảnh này, việc kiểm soát giá của những mặt hàng và dịch vụ trong phạm vi quản lý của nhà nước sẽ rất quan trọng. Ngoài việc bảo đảm tuân thủ theo yêu cầu và lộ trình của thị trường, bảo đảm giảm sức ép lên ngân sách nhà nước, mặt khác cũng cần cân đối động lực tăng trưởng", ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cho biết.
Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa sớm khắc phục những khó khăn, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay trong quý 1/2022.
Sự quyết liệt và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã và sẽ truyền dẫn động lực cho cỗ máy kinh tế Việt Nam sớm phục hồi, lấy lại quỹ đạo tăng trưởng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!