Nhiều tổ chức quốc tế nhận định kết quả tích cực hiện nay kết hợp với việc đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là nền tảng giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng trong quý III năm nay, Ngân hàng UOB đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức 7% được đưa ra trước đó. Còn đại điện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định kết quả mà Việt Nam đạt được là đáng ngưỡng mộ.
"Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là một yếu tố rất quan trọng", bà Era Dabla-Norris - Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá.
Trên nền tăng trưởng GDP cao của năm 2022, kinh tế Việt Nam trong năm sau, được dự báo sẽ vẫn rất tích cực. Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á, có thể nói là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế khá ảm đạm toàn cầu.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, đặc biệt các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát có thể một số nền kinh tế chủ chốt sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, Việt Nam có yếu tố tích cực về đầu tư, về tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục cái động lực tăng trưởng".
Ông Broook Taylor - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đánh giá: "Các yếu tố nền tảng dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở với tiềm lực xuất khẩu mạnh mẽ, sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Thêm vào đó, sức cầu nội địa cũng đang tăng lên. Theo tôi, Việt Nam đang chuyển mình trên con đường phát triển giống những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc".
Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tích cực trong dài hạn. Mức tăng trưởng cao, bình quân trên 6%, rất có thể sẽ được duy trì liên tục trong 1, 2 thập kỷ tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!