Theo kế hoạch, sáng mai (23/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Nổi bật trong 9 tháng vừa qua là những con số khá ấn tượng, đặc biệt tốc độ tăng trưởng trong quý II đạt con số 7,46%, cao nhất trong 6 năm gần đây.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kinh tế trong năm qua có nhiều điểm sáng, ở cả khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng xuất khẩu. Những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã khiến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện vượt bậc.
Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đánh giá về năng lực cạnh tranh, Việt Nam xếp hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Đó là những kết quả đáng khích lệ, nhưng để tiếp tục giữ được mục tiêu tăng trưởng từ 6,3 - 6,5% trong năm 2018 cũng có nhiều vấn đề đặt ra với Quốc hội tại kỳ họp lần này.
Năm 2017, lần đầu tiên trong nhiều năm, 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều được hoàn thành và vượt kế hoạch. Chính phủ đang đi đúng hướng. Tuy nhiên trước tác động tiêu cực của đà sụt giảm kinh tế thế giới; tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao, sức cạnh tranh yếu, cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng - vốn đang đắp chiếu trong các dự án thua lỗ vẫn chưa thể phục vụ cho tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng tại kỳ họp này Quốc hội cũng phải phân tích và chỉ ra những nhiệm vụ mà Chính phủ phải thực hiện trong thời gian tới.
"Quyết tâm cao, nỗ lực lớn" là đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, đánh giá cũng khẳng định những tồn tại, hạn chế trong nội tại nền kinh tế vẫn là những vấn đề rất đáng quan tâm, đòi hỏi Chính phủ cần có những điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô; đặc biệt khi dư địa cho tăng trưởng không còn nhiều, tình hình thiên tai phức tạp như thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!