Ký kết đề án hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Đức

Bích Ngọc (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ sáu, ngày 25/03/2016 06:00 GMT+7

Đại diện phía Đức cho rằng, sở vật chất trong công tác đào tạo nghề ở Việt Nam còn lạc hậu.

VTV.vn - Ngày 23/3, Đoàn đối tác Đức đã có buổi làm việc với Tổng cục Dạy nghề về việc thống nhất ký kết đề án hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Đức.

Đề án có sự tham gia của Học viện đào tạo Volswagen, 60 doanh nghiệp uy tín của CHLB Đức và Hội người Việt tại phía Tây bang Sachsen. Đây là cơ hội để học viên, giáo viên Việt Nam được tiếp cận chương trình đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế và làm việc tại CHLB Đức. Đề án được bảo trợ bởi Ban Nội chính Văn phòng Quốc hội bang Sachsen và Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Việt Nam.

Đề án hợp tác giữa hai bên căn cứ trên Tuyên bố Hà Nội được ký năm 2011 giữa Thủ tướng CHLB Đức Angela Markel và Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về đối tác chiến lược Việt Nam - Đức nhằm đẩy mạnh mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong đó, đào tạo nghề chính là một trong những lĩnh vực được ưu tiên. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng khả năng tìm việc của học viên Việt Nam cũng như đảm bảo nhu cầu lao động đang thiếu hụt của một số ngành nghề tại Đức. Theo đó, phía đối tác Đức sẽ cung cấp các chương trình dạy nghề kép tân tiến, cử các chuyên gia về Việt Nam hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đào tạo nghề và định hướng thị trường.

“Các bạn học viên Việt Nam rất cần cù, nỗ lực học hỏi kiến thức để nắm bắt công nghệ. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn tạo điều kiện cho các bạn đạt được ước mơ của mình. Khi chúng ta hợp tác, các bạn sẽ được tài trợ học những công nghệ sản xuất, chế tạo các linh kiện cũng như cách sửa chữa và lắp ráp ô tô hiện đại nhất thế giới hiện nay”, ông Holger Naduschewski - Giám đốc Học viện đào tạo Volkswagen thành phố Zwickau, CHLB Đức chia sẻ.

Đại diện phía Đức cũng đã có buổi tham quan các trường dạy nghề tại Việt Nam. Qua đó nhận thấy: Cơ sở vật chất trong công tác đào tạo nghề ở Việt Nam còn lạc hậu, thiếu thốn, học viên thực hành sửa chữa chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện Việt Nam đã có hơn 40.000 giáo viên ở cả ba trình độ: trung cấp nghề, sơ cấp nghề và cao đẳng nghề. Tuy nhiên, các giáo viên có kỹ năng nghề, trình độ sư phạm còn hạn chế, giáo trình học cũng chưa thích ứng với sự phát triển của công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đào tạo nghề tại trường và thực hành tại các xưởng, đề án còn giúp các học viên và giáo viên Việt Nam được tạo điều kiện trau dồi khả năng ngoại ngữ. Trong bối cảnh tại Đức đang thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, đây sẽ là chìa khóa để các học viên hòa nhập nhanh hơn và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại CHLB Đức.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước