Lạc quan về tình hình sản xuất, xuất khẩu cuối năm

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 02/11/2024 07:16 GMT+7

VTV.vn - Quý IV luôn được xem là giai đoạn then chốt của các ngành sản xuất xuất khẩu.

Đây vừa là giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu kinh doanh của cả năm, vừa là bước đệm để có thể kí kết những hợp đồng mới cho năm sau. Đa số các doanh nghiệp cho biết cuối năm nay tình hình khá tích cực và đang nỗ lực đảm bảo ổn định cho năm tới.

Quý IV này được coi là giai đoạn cao điểm sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may da giày. Như doanh nghiệp may mặc này, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cuối năm đang tăng hơn 10% so với cùng kì năm ngoái và vượt 15% so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: “Chúng tôi tuyển dụng chỉ được khoảng 30% so với số lượng mà chúng tôi mong muốn. Chính vì vậy, thi đua sản xuất làm thế nào để tăng năng suất đối với lực lượng lao động hiện tại, hoàn thành các đơn hàng đang đặt vượt năng lực chúng tôi làm được”.

Cuối năm hàng nhiều, việc nhiều, nhân lực lại không tăng nên mọi thứ đều phải tính toán hợp lí. Ở kho hàng của doanh nghiệp này, lượng vải nguyên liệu nhập về phải tính toán làm sao phù hợp với thời điểm để có thể cùng xuất đi được. Như vậy vừa giảm thời gian lưu kho, vừa hạn chế được công sức bốc xếp.

Lạc quan về tình hình sản xuất, xuất khẩu cuối năm - Ảnh 1.

Năm tới, các thị trường nước ngoài sẽ áp dụng thêm những quy định mới với hàng nhập khẩu

Cuối năm nay tình hình tốt, nhưng đầu năm mới với nhiều doanh nghiệp vẫn đang là dấu hỏi. Nhiều khách hàng đang chờ tới cuối tháng 11 này mới chốt đơn hàng cho quý I năm sau.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ chia sẻ: “Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt những tháng cuối năm 2024, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ và cuối năm cũng như tăng lượng hàng dự trữ tồn kho của các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối của Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh tháng 11 sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ”.

Hàng hoá Việt Nam có lợi thế là giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới đang chuyển sang lựa chọn Việt Nam để đặt hàng sản xuất. Tuy nhiên, để đón được xu hướng dịch chuyển này, các doanh nghiệp cũng cần có nội lực tốt hơn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam nhận định: “Về phía các doanh nghiệp, phải áp dụng công nghệ mới trong quản lý, chuyển đổi sang ứng dụng những thiết bị tự động hoá vào những khâu để thay thế lực lượng lao động đơn giản. Đó là một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp chúng ta hiện nay”.

Năm tới, các thị trường nước ngoài sẽ áp dụng thêm những quy định mới với hàng nhập khẩu. Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất sẽ phải báo cáo lượng khí thải. Hay nói rộng hơn, hàng hóa sẽ phải đảm bảo bền vững từ nguồn gốc đến thành phẩm mới có thể xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước