Điểm khác biệt của đợt hạ lãi suất lần 2 này là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ cả lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động - những mức lãi suất điều hành đợt 1 cơ quan này chưa điều chỉnh.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, cùng giảm 0,5%, xuống 5,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 0,5%, xuống 4,5%/năm. Sau khi quyết định chính thức có hiệu lực, tất cả các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất. Thậm chí, không ít ngân hàng còn để lãi tiền gửi dưới 6 tháng thấp hơn mức trần quy định, thấp nhất chỉ khoảng 4,7%/năm.
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi
Tất cả các khoản tiền gửi dưới 6 tháng đã được Ngân hàng SeABank điều chỉnh giảm xuống dưới mức trần 5,5% theo quy định. Từ đầu năm đến nay, họ cũng đã vài lần thay đổi biểu lãi suất cả ngắn hạn, và dài hạn.
"So với dịp Tết thì lãi suất huy động 6 - 12 tháng đã giảm hơn 1%, người dân cũng lựa chọn các kỳ hạn dài để có mức lãi suất tốt hơn. Khi khách lựa chọn kỳ hạn dài giúp ngân hàng có nguồn vốn ổn định hơn", bà Trần Thị Huyền Anh - Trưởng nhóm giao dịch viên, Ngân hàng SeABank chi nhánh Hà Nội cho biết.
Các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi. Ảnh minh họa.
Trước đó, chỉ trong quý I, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,5 - 1,5%/năm. Với lần điều chỉnh này, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ còn giảm thêm, đặc biệt khi NHNN giảm 2 mức lãi suất quan trọng là lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng và trần lãi suất huy động.
"Hai mức giảm này thể hiện thị trường thanh khoản tốt, hoàn toàn đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại có nguồn vốn thấp để hỗ trợ ngược lại với doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tiếp cận vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh", ông Lại Tất Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ABBank cho biết.
Nhiều ngân hàng cũng cho biết đã liên tục điều chỉnh biểu lãi suất trong khoảng 1 tháng gần đây nhờ thanh khoản cải thiện, dòng tiền gửi quay lại hệ thống sau Tết. Vì vậy, với 2 đợt giảm lãi suất điều hành lần này, các ngân hàng có chỉ báo rõ ràng hơn về xu hướng lãi suất để có thể đưa ra những quyết sách kinh doanh trong thời gian tới.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, 1 tuần sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 3, lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh, về mức thấp nhất trong hơn 8 tháng, chỉ còn 1,2%/năm.
Điều này cho thấy quyết định chính sách của NHNN đã ngay lập tức có hiệu quả đối với thị trường liên ngân hàng - nơi các ngân hàng cho vay mượn lẫn nhau. Điều mà doanh nghiệp mong chờ nhất lúc này là các ngân hàng sẽ sớm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cho vay nhanh hơn, để họ có thể mạnh dạn vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam đang mong muốn đầu tư thêm 2 dàn máy để đáp các đơn hàng. Ước tính, họ cần vay khoảng 20 tỷ đồng nên rất cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Ông Dương Ngọc Hạnh - Giám đốc, Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam cho biết: "Một số doanh nghiệp cũng như khách hàng của chúng tôi cũng giãn thời gian thanh toán, nên chúng tôi rất cần vốn. Đợt 1 vừa rồi cũng được giảm xuống 0,3% cho các doanh nghiệp, với đợt giảm lãi suất lần thứ 2, kì vọng sẽ được giảm thêm lãi suất".
Thông tin hạ lãi suất điều hành đã mang đến kỳ vọng lớn cho cho các doanh nghiệp đa lĩnh vực. Doanh nghiệp bất động sản của anh Dũng có nhu cầu xoay vòng vốn liên tục. Tuy nhiên, anh quyết định chờ thêm 1 khoảng thời gian nữa, vì chỉ cần giảm một vài điểm % cũng doanh nghiệp tiết kiệm thêm được cả trăm triệu đồng tiền lãi vay.
Ông Hoàng Nguyễn Trọng Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Gia Phát cho biết: "Trong tình hình khó khăn chung, việc giảm lãi suất là yếu tố tác động đến sức mạnh doanh nghiệp rất nhiều, nên cũng mong muốn sự hỗ trợ của ngân hàng cũng như Chính phủ và nhà nước để giảm các lãi suất cho doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí để doanh nghiệp có thể phát triển tốt hơn".
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2 vừa qua đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4%/ năm. Mức lãi suất vay thấp được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn trong thời gian tới bởi hiện tín dụng quý I tăng khá thấp, mới khoảng 2%.
"Khi chúng ta giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp khiến cho doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay đây chính là cú hích quan trọng", ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định.
Theo chuyên gia, việc giảm lãi suất cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, để đạt mục tiêu 14% trong năm nay như NHNN đã đề ra.
Thông tin hạ lãi suất điều hành đã mang đến kỳ vọng lớn cho cho các doanh nghiệp đa lĩnh vực. Ảnh minh họa.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank nhận định: "Tôi cho rằng lãi suất cho vay ít nhất còn giảm 0,5% nữa, đơn giản dựa trên sự lan tỏa lãi suất ngắn hạn qua lãi suất dài hạn. Và đặc biệt nếu các ngân hàng chấp nhận tiết giảm chi phí hoạt động và thậm chí hy sinh một chút phần biên lãi ròng, để hỗ trợ khách hàng của mình, lãi suất có thể giảm nhanh hơn nữa".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết: "Hi vọng đến cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất có thể giảm được 1,5% đến 2%. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ chi phí sử dụng vốn thấp, có thể tăng trưởng kinh doanh tốt nhất".
"Sức ép lạm phát giảm dần, sức ép tỷ giá giảm dần, dư địa bắt đầu hé mở nhưng sức ép rất lớn, trong bối cảnh đó Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất điều hành. Đây là biện pháp rất hợp lý và hỗ trợ cho tăng trưởng rất mạnh. Đó là lý do ADB quyết định giữ mức dự báo tăng trưởng cao 6,5% cho Việt Nam", ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất thời gian tới sẽ như thế nào? Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bên cạnh lãi suất, cần có những giải pháp phối hợp như thế nào?
Xung quanh các vấn đề trên, mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính tuần này với sự tham gia trực tiếp của ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân đã có những phân tích bình luận chi tiết.
Lãi suất cho vay dần hạ nhiệt VTV.vn - Sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng đã được kéo xuống dưới 10%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!