Việc tăng nhẹ lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài hạn đã được các chuyên gia dự báo sẽ diễn ra nhất là khi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%.
Lãi suất huy động các kỳ hạn 12 - 36 tháng tại các ngân hàng đã tăng nhẹ trở lại và duy trì ở mức 6 - 7,2 %/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng, Vietcombank lên 5%; BIDV và VietinBank cùng mức tăng lên 5,5%,
Ở những kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại Vietcombank đều tăng lên mức 6,5%, BIDV lên 6,8%, còn lại lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,8% lên 7%, kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,8% lên 7,2%.
VietinBank đã tăng mạnh nhất lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 24 tháng tăng từ 6% lên 6,8%. Một số các kỳ hạn như 9 - 12 tháng có mức tăng 0,2% lên 5,8%, kỳ hạn dài nhất trên 36 tháng vẫn giữ nguyên lãi suất 7%.
Trong khi đó tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, có một vài ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động. Tại VPBank, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động tại hầu hết các kỳ hạn như kỳ hạn 1 - 4 tháng giảm 0,4 - 0,5% xuống mức 4,7 - 5%, các kỳ hạn còn lại đều giảm 0,1% so với biểu lãi suất cũ áp dụng từ ngày 2/2 xuống mức 6,1 - 7,2%.
Một trong những lý do khiến mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng là do những biến động trên thị trường tài chính thế giới cũng như trong nước. Vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các ngân hàng buộc phải lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động.
Thêm một nguyên nhân khiến một số chuyên gia cho rằng lãi suất huy động tăng là do nhu cầu vay vốn tăng cao hơn. Trước áp lực này, các ngân hàng tính đến phương án điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Theo dự tính của Ngân hàng Nhà nước, năm 2016 tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 18 - 20%. Do đó, để đảm bảo nguồn vốn, các ngân hàng phải tích cực đẩy mạnh huy động ngay từ những tháng đầu tiên của năm.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.