Mức tăng này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng về trên thị trường. Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng kênh phát hành tín phiếu trên thị trường mở, tổng cộng đã hút ròng tổng 37,7 nghìn tỷ đồng để rút bớt thanh khoản dư thừa trên thị trường.
Sau 2 tuần hút ròng liên tục, lãi suất liên ngân hàng bật tăng, với kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 0,87% (tăng 21 điểm cơ bản) và 1 tuần ở 1,52% (tăng 62 điểm cơ bản). Chênh lệch lãi suất VND - USD đã được thu hẹp lại, tuy nhiên vẫn đang duy trì ở mức âm.
Theo số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 8,51% (so với mức 5,47% vào 2021), M2 tăng 3,3% (so với 3,48% vào 2021) và huy động vốn tăng 3,97% (so với 3,13% vào 2021).
Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888.000 tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 434.000 tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế, điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.
Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 30 - 100 điểm cơ bản, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý 1 và đầu quý 2. Hai ngân hàng có vốn Nhà nước là BIDV và Agribank vừa qua cũng đã tăng 10 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Hiện nhiều ngân hàng đang gần hết hạn mức tín dụng. Công ty chứng khoán SSI nhận định, trong nửa cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm tăng khả năng cho vay. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15 - 16%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!