Lãi suất tiết kiệm tiếp đà tăng mạnh, ngân hàng lớn cũng nhập cuộc

TTXVN-Thứ ba, ngày 05/07/2022 17:04 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Bước sang tháng 7/2022, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng, thậm chí tăng mạnh so với tháng trước.

Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh lãi suất này còn có cả các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhập cuộc.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tăng nhẹ lãi suất các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng thêm 0,1%/năm, lên mức 5,6%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được áp dụng tại ngân hàng này.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng ở mức 5,6%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động trực tuyến cũng được cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Còn tại các ngân hàng thương mại khác, lãi suất huy động liên tục đua tăng; trong đó, có ngân hàng tăng hơn 1%/năm so với hồi đầu tháng 6/2022.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng từ mức 5,95%/năm lên tới 7,1%/năm. Tương tự với kỳ hạn 13 tháng, từ 6,1%/năm lên 7,15%/năm. Như vậy, lãi suất tiết kiệm tại HDBank đã tăng mạnh từ 1,05 - 1,15%/năm so với trước đó.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng lãi suất thêm 1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 15 - 36 tháng, lên mức 6,5%/năm; các kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng được điều chỉnh tăng 0,5%/năm lên mức kịch trần 4%/năm.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng được điều chỉnh mức tăng mạnh nhất tới 0,9%/năm, đưa lãi suất kỳ hạn này lên mức 5,5%/năm thay vì 4,6%/năm như trước đó. Còn với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng từ 4,5%/năm lên 5,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng, tăng từ 3,4%/năm lên kịch trần 4%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chào mức lãi suất hấp dẫn đối với khách hàng gửi tiền online, cao hơn hình thức gửi tại quầy tới 0,7%/năm. Theo đó, nếu gửi online khách hàng sẽ được nhận lãi suất 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và tối đa 7,4%/năm với kỳ hạn từ trên 16 tháng.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) cũng huy động tiền gửi tại quầy với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho các khoản gửi kỳ hạn 36 tháng.

Mặc dù nhiều ngân hàng liên tục tăng mạnh lãi suất trong vài tháng qua, nhưng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vẫn đang dẫn đầu với lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm. Cụ thể, SCB niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 7,3%/năm đối với khách hàng gửi tại quầy. Nếu khách hàng gửi tiền online, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,15 - 0,3%/năm theo từng kỳ hạn, nâng lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm.

Thực tế cho thấy, không khó để tìm thấy mức lãi suất trên 7%/năm tại nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)...

Không chỉ cộng thêm lãi suất, nhiều "chiêu" hút tiền gửi còn được các ngân hàng áp dụng như: miễn phí thường niên khi mở thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh. Riêng quý I/2022, số dư tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Giới chuyên gia cho rằng, lý do tiền gửi tăng mạnh phần nào đến từ việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động sau 2 năm giữ ở mức thấp.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tại một số ngân hàng tăng từ 0,3 - 0,6%/năm. VCBS dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, lãi suất huy động cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 - 2%/năm trong cả năm 2022; đồng thời, một số ngân hàng thu hút được lượng khách hàng dồi dào sẽ chịu ít áp lực hơn.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng có sự tăng trưởng tích cực. Áp lực lạm phát và nhu cầu chuyển dịch kênh đầu tư của người dân cũng khiến ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút dòng tiền.

Tuy vậy, trước kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào cuối quý III/2022 và tùy theo "sức khỏe" của từng ngân hàng, các chuyên gia của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định mặt bằng lãi suất tiền gửi nửa cuối năm sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng như thời gian qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước