Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động về lại vùng trước dịch COVID-19. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất áp dụng với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đã vượt mức 9,5%.
Cụ thể, ngày 15/11, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục tăng thêm lãi suất huy động thêm 0,3%/năm. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng lên mức cao nhất là 9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, đối với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 8,7%/năm, còn dưới 6 tháng lên 6%/năm. Đây là lần thứ 4 trong tháng 11, Techcombank thay đổi lãi suất huy động tiền đồng theo xu hướng đi lên.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa tăng lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiền gửi nhỏ. Nếu như trước đây, khách hàng gửi tiền dưới 300 triệu đồng chỉ được áp dụng lãi suất từ 5,6 - 5,8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và từ 5,7 - 5,9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, thì nay lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 1 - 5 tháng đồng loạt chỉnh lên mức tối đa là 6%/năm, không phân biệt số tiền gửi.
Với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng gửi dưới 10 tỷ đồng sẽ được áp dụng lãi suất từ 8,3 - 8,4%/năm trong khi trước đây, điều kiện hưởng lãi suất trên là gửi từ 50 tỷ đồng.
Tương tự, VPBank cũng tăng thêm từ 0,2-0,4%/năm cho các khoản tiền gửi nhỏ dưới 10 tỷ đồng tại các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 18 tháng và không phân biệt số tiền gửi. Còn với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng vừa tăng lãi suất thêm 0,1%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 8,6%/năm, 9 tháng lên 8,65%/năm, 12 tháng lên 8,95%/năm, ở những kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có lãi suất 9%/năm…
Đáng chú ý, trên thị trường hiện nay, mức lãi suất cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 9,75%/năm kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ở kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này cũng có mức lãi lên cao 9,35%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 7 đến 12 tháng dao động từ 9,4 - 9,65%/năm.
Trong khi đó, một ngân hàng lớn cũng vừa nâng lãi suất huy động cao nhất lên 8,2%/năm. Đây là mức lãi suất Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) áp dụng cho các khoản tiền gửi online từ 12 đến dưới 36 tháng. Với mức tăng cao hơn 0,8%/năm so với lãi suất gửi tại quầy, VietinBank đang trở thành ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất trong nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước.
Lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn khác tại VietinBank cũng tăng mạnh: kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng được hưởng lãi suất 7,8%/năm, tăng 1,6%/năm so với cuối tháng trước; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng nâng lên mức kịch trần 6%/năm.
Nhiều ngân hàng khác điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi trong tháng này có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)...
Trong đó, Bac A Bank tăng lãi suất thêm từ 0,15 - 0,25%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nâng lãi suất kỳ hạn 6 - 12 tháng lên thành 7,9 - 8,2%/năm; kỳ hạn 18 - 36 tháng thành 8,45%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở mức kịch trần quy định.
Tại BaoVietBank, mức điều chỉnh lãi suất dao động từ 0,1 - 0,75%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh lên 5,65%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,6%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất được BaoVietBank áp dụng là 8,2%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Tại SHB, khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 36 tháng sẽ được áp dụng lãi suất cao nhất là 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 8,4%/năm...
Còn trong khối các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động cao nhất cho các kỳ hạn dài ở mức 8,2%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động về lại vùng trước dịch COVID-19. Việc tăng lãi suất sẽ giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác nhằm huy động được tiền nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu vốn đang gia tăng trong nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!