Một nhân viên tín dụng tại một ngân hàng có trụ sở ở đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiết lộ nhà băng này đã gửi nhân viên chính sách lãi suất mới, áp dụng từ ngày 5/10, đối với các khoản vay mua bất động sản gồm nhà thổ cư, nhà dự án, xây sửa nhà, kinh doanh bất động sản...
Một điểm đáng chú ý là trước đó nhà băng này áp dụng lãi suất ưu đãi năm đầu là 9,9%/năm, nhưng sau ngày 5/10 sẽ bỏ lãi suất ưu đãi năm đầu và áp dụng luôn cách tính lãi suất cơ sở khách hàng cá nhân 3M + biên độ 3,3%. Mức vay tối thiểu là 24 tháng cho các khách hàng vay nhà dự án, nhà đất, xây sửa nhà.
Theo tiết lộ của nhân viên này, đây là lần tăng lãi suất thứ 4 của ngân hàng. Hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022, lãi suất ưu đãi 12 tháng của nhà băng này ở mức 6,5%, sau đó tăng dần nhiều lần lên mức 9,9% như hiện tại và chỉ vài ngày nữa sẽ bỏ hẳn ưu đãi năm đầu. Theo cách tính mới, lãi suất vay mua nhà tại đây sẽ vượt 12%. Một thông tin khác được người này tiết lộ là nếu mua kèm bảo hiểm sẽ được giảm lãi suất.
Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay mua nhà (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhưng đây không phải nhà băng duy nhất có lãi suất vay mua nhà điều chỉnh tăng và vượt mức 12%/năm.
Một nhà băng khác có trụ sở trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa cho biết nhà băng này đang cho vay ưu đãi năm đầu là 9,34%, từ năm sau áp dụng lãi suất thả nổi, bằng lãi cơ sở + biên độ 3,5%. Trước đây, mức lãi suất ưu đãi năm đầu của nhà băng này là 8,34%.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều nhà băng vẫn áp dụng lãi suất ưu đãi năm đầu, dao động trong khoảng 8-11%/năm. Lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng đang dao động quanh mức 9,5-12%/năm, tùy vào hình thức vay của khách hàng. Lãi thả nổi được tính bằng lãi cơ sở + biên độ. Biên độ tại các nhà băng đang trong khoảng 3-3,8%. Trong khi đó lãi cơ sở sẽ thay đổi tùy thuộc vào thị trường.
Nhiều ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cố định, trong mức 9-12% mỗi năm. Các nhân viên tín dụng tiết lộ sẽ có những ưu đãi riêng, tùy từng kỳ hạn và tiềm lực tài chính của khách hàng, hoặc nếu trả nợ trước hạn hay mua "bia kèm lạc" như các gói bảo hiểm...
Nhìn chung, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất mua nhà trong thời gian ngắn vừa rồi, với mức tăng phổ biến trong khoảng 0,2-1% mỗi năm.
Vì đâu lãi suất tăng?
Nhiều chuyên gia nhận định diễn biến này đã được dự báo từ trước. Đặc biệt sau động thái Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành sau gần 2 năm, thì các nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Có nhà băng ghi nhận lãi suất huy động vượt 8%/năm.
Các ngân hàng Big 4 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất) thường đứng ngoài cuộc đua lãi suất nhưng cũng đã phải "nhập cuộc" thay đổi biểu lãi suất, có kỳ hạn tăng tới 1%/năm.
Nhóm ngân hàng Big 4 vừa rồi cũng tăng biểu lãi suất huy động (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trong khi đó, theo tiết lộ của trưởng phòng tín dụng một nhà băng, ngân hàng muốn có lãi thì mức chênh giữa lãi suất huy động và lãi cho vay phải từ 3-4%. Việc tăng lãi suất huy động thời gian vừa rồi, vô tình tạo áp lực lên lãi vay.
Chưa kể, định hướng hạn chế tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa rồi chỉ áp dụng với phân khúc xây dựng resort nghỉ dưỡng và những dự án có tính chất đầu cơ. Riêng mảng cho cá nhân vay mua nhà để ở không bị hạn chế, thậm chí, cơ quan quản lý còn khuyến khích cho vay với những dự án nhà ở xã hội.
Trong cuộc họp gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước tiết lộ sẽ vận động các ngân hàng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết sẽ không điều hành lãi vay, vì đó là thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay.
Về diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng rất khó đoán định do phụ thuộc vào nhiều ẩn số, liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, điều hành của Ngân hàng Nhà nước nói chung và tại các ngân hàng thương mại nói riêng.
Lãi suất còn tăng?
Từ trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đánh giá, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm nay, nhưng có độ trễ so với lãi suất huy động, đồng thời có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các lĩnh vực, ngành nghề.
Lãi suất cho vay thường tăng trễ hơn so với lãi suất huy động (Ảnh: Mạnh Quân).
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm nay và sang cả năm sau do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Còn Công ty Chứng khoán SSI cũng đánh giá lãi suất huy động tăng sau khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp. Bên cạnh đó, việc từ ngày 1/10 tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm xuống 34%, sẽ kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này, đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, gây áp lực tăng lãi suất đầu ra.
Công ty chứng khoán KB (KBSV) nhìn nhận với kịch bản lạm phát tăng 3,%, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động, dự kiến tăng từ 0,4-0,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!