Lạm phát ngày càng tăng cao tại châu Âu

TTXVN-Thứ tư, ngày 11/05/2022 05:37 GMT+7

VTV.vn - Tình hình lạm phát tại châu Âu khiến giới quan sát lo ngại khi có thêm các nước báo cáo tốc độ tăng giá cao kỷ lục trong tháng 4 do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.

Ngày 10/5, Cơ quan Thống kê Quốc gia Hy Lạp (Elstat) cho hay lạm phát ở nước này đã tăng 10,2% trong tháng 4, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1995. Mức tăng cao như vậy chủ yếu do giá nhiên liệu và giá nhà đất đều tăng vọt.

Lạm phát ngày càng tăng cao tại châu Âu - Ảnh 1.

Người dân mua sắm trong siêu thị tại Nea Artaki, Hy Lạp. (Ảnh: Getty Images)

Báo cáo của Elstat cũng cho hay giá khí đốt tự nhiên tại Hy Lạp đã tăng 122,6% kể từ tháng 4/2021. Đi kèm với đó mức tăng giá điện 88,8%, chi phí nhà ở 35,2% và 10,9% đối với thực phẩm và đồ uống trong cùng giai đoạn.

Số liệu của cơ quan này cho thấy giá cả ở Hy Lạp đã tăng đều đặn kể từ đầu năm 2021 tới hiện tại.

Số liệu mới nhất của Đan Mạch cũng cho thấy lạm phát của nước này đạt mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ vào tháng trước, cũng do giá năng lượng và thực phẩm leo thang. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đan Mạch trong tháng 4 tăng 6,7% so với cùng kỳ một năm trước đó. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất kể từ tháng 6/1984 tới nay của quốc gia châu Âu này.

Nếu không tính năng lượng và thực phẩm chưa qua chế biến, giá tiêu dùng của Đan Mạch tăng nhẹ hơn ở mức 3,6%, song vẫn cao hơn con số 3,2% của tháng Ba.

Trong khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh và các quốc gia khác đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch (Nationalbanken) lại cắt giảm lãi suất chủ chốt vào tháng 9/2021 để bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng Krone Đan Mạch, vốn được neo theo đồng Euro.

Báo Tin tức CH Czech cùng ngày 10/5 dẫn công bố của Văn phòng Thống kê Czech cho biết, lạm phát giá tiêu dùng ở Czech vào tháng 4/2022 tiếp tục tăng thêm tới 14,2% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức 12,7% ghi nhận hồi tháng 3 và là tháng tăng thứ 10 liên tiếp.

Lạm phát của nước này trong tháng Tư cũng tăng 1,8% so với tháng trước đó, chủ yếu là do giá nhà ở, thực phẩm và đồ uống không cồn tăng.

Trưởng phòng Thống kê Giá Tiêu dùng của CZSO, Pavla Šedivá, cho biết tốc độ tăng lạm phát theo năm là mức cao nhất trong ba thập kỷ qua, và tiến gần hơn tới mức kỷ lục 18,2% của tháng 12/1993.

Trong lĩnh vực nhà ở, giá năng lượng đồng loạt tăng so với cùng kỳ năm 2021 với giá điện tăng 30,1%, trong khi giá gas thậm chí tăng 44,2%.

Còn trong lĩnh vực thực phẩm, bột mì tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước với mức 52,3%. Giá sữa và đường đều tăng đáng kể lần lượt ở mức 31,3% và 25,5%, trong khi giá trứng tăng 14,2% và giá thịt tiến thêm 11%.

Lạm phát bắt đầu tăng cao tại châu Âu sau khi các quốc gia rút dần các hạn chế phòng dịch COVID-19 vào năm 2021. Tuy nhiên tình hình đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự tại Ukraine, qua đó đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao hơn nữa.

Lãi suất – Công cụ 'hạ nhiệt' khi lạm phát tăng cao Lãi suất – Công cụ "hạ nhiệt" khi lạm phát tăng cao

VTV.vn - Lần tăng lãi suất mới đây nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là cần thiết để phanh lại đà tăng của lạm phát.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước