Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 8, nhỉnh hơn so với ước tính 0,3% của Dow Jones. Đà tăng của hàng hoá ở cấp độ bán buôn trong tháng 9 chủ yếu được thúc đẩy do giá xăng tăng tới 5,4%.
Về giá các loại hàng hoá cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, cho thấy tình hình chuỗi cung ứng đã được bình thường hoá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chỉ số PPI mới công bố là một tin tức không tốt vì so với cùng kỳ năm trước chỉ số PPI tháng 9 đã tăng 2,2%. Đây là mức tăng lớn nhất từ tháng 4 và vượt mục tiêu 2% của FED.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Những tin tức mới nhất từ phía nội bộ cơ quan này cũng cho thấy dù vẫn có những ý kiến trái ngược nhau về sự cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất, nhưng có một điểm các lãnh đạo của FED đều thống nhất là cần duy trì lãi suất ở mức cao cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đang quay về mức mục tiêu.
Phản ứng với các thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch thận trọng, các chỉ số chính đều tăng điểm nhẹ, dưới mức 1%. Còn trên sàn hàng hóa, giá cả hai loại dầu đều giảm khá mạnh, trong đó dầu WTI của Mỹ chốt phiên ở gần 84 USD/thùng sau khi giảm 2,3% giá trị.
Tối 12/10 (theo giờ Việt Nam), chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ sẽ được công bố. Theo khảo sát của Dow Jones, chỉ số này có thể tăng 3,6% so với năm ngoái. Cùng với giá sản xuất, đây là hai dữ liệu quan trọng được giới đầu tư tại Mỹ theo dõi chặt để đánh giá các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!