Chỉ một ngày sau phiên đấu giá được dư luận chú ý tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nội dung công việc cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Trước đó, dư luận chú ý tới phiên đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu ngày 19/8/2024 và kết thúc vào rạng sáng ngày 20/8/2024. Dù phiên đấu giá chưa kết thúc, nhiều "cò đất" đã rao bán sang tay những mảnh đất dự kiến đấu giá thành công với mức chênh từ 200 triệu đồng trở lên.
Hiện tượng đất đấu giá các huyện vùng ven của Hà Nội cao hơn vài lần so với mặt bằng giá chung của thị trường cũng đã nhiều lần được ghi nhận.
Về mặt quản lý chung, Công điện yêu cầu việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời, các bộ liên quan khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Công điện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất có biểu hiện bất thường và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm. Trong trường hợp phát hiện bất cập trong quy định pháp luật, cần tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường.
Với tầm nhìn rộng và bao quát về thị trường bất động sản nói chung, Công điện yêu cầu các bộ phối hợp nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản. Không chỉ vậy, các cơ quan liên quan phải chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả, hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có). Nội dung công việc này cũng phải báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau Công điện 82/CĐ-TTg, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp ngay với các sở, ngành kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua; kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có).
Ngày 22/8/2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký văn bản gửi UBND TP. Hà Nội thông báo về việc cử đoàn kiểm tra đột xuất công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức. Huyện Hoài Đức cũng đã thông báo huỷ 2 phiên đấu giá đất dự kiến tổ chức vào ngày 26/8 và ngày 9/9.
Rõ ràng, sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả, có đề bài, có thời hạn hoàn thành của các cơ quan chức năng để làm rõ những bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất ở các huyện vùng ven Hà Nội là vô cùng cần thiết.
Luật Đất đai sửa đổi 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu không tìm ra nguyên nhân những bất thường, xử nghiêm nếu có vi phạm hoặc hoàn thiện quy định pháp lý tránh xảy ra tình trạng tương tự, kịch bản các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức có thể sẽ lặp lại ở nhiều tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, động thái kiên quyết của các ngành chức năng sau Công điện số 82/CĐ-TTg có thể là "cây gậy" răn đe hiệu quả, khiến những người muốn nhũng nhiễu thị trường không dám thực hiện các hành vi sai phạm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: "Công điện số 82/CĐ-TTg có tính kịp thời. Nếu không làm rõ nguyên nhân và ngăn chặn những hành vi sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, sẽ có những hệ lụy gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản, đặc biệt khi thị trường đang bắt đầu phục hồi.
Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nếu phát hiện bất cập trong quy định pháp luật, cần tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung. Nếu thực hiện đúng chỉ đạo này, chúng ta sẽ bổ khuyết được lỗ hổng về khung pháp lý để điều tiết, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, giải pháp căn cơ và cốt lõi nhất là đẩy nhanh các dự án ra thị trường để tăng nguồn cung cho thị trường.
Thực tế, từ cuối năm 2022 tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Khi các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiệm các chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn những nghi vấn về các phiên đấu giá đất bất thường tại Hà Nội thời gian qua sẽ được làm rõ đúng thời hạn. Quan trọng hơn, điều này góp phần xác lập được mức giá hợp lý theo thị trường trong các phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở các địa phương trong tương lai, một mặt giúp ngân sách thu đúng, thu đủ, mặt khác, ngăn chặn kẻ xấu trục lợi bất chính trên giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!