Đây là những con số được đưa ra từ Khảo sát của trang Việc Làm Tốt phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI. Theo khảo sát, những lao động chọn ở lại sẽ tìm việc ở quê nhà để có cơ hội ở gần gia đình và người thân, nhiều người sẽ thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các khu công nghiệp mới thành lập ở địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung nhiều ở một số thành phố lớn. Lúc này, phân bổ lao động như thế nào, làm sao hút họ trở lại các thành phố làm việc là một bài toán mà muốn giải, chúng ta cần tìm rất nhiều biến số. Đây cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa được tổ chức mới đây.
Thiết kế lại và hồi phục thị trường lao động
Quý 3 năm nay cả nước có hơn 28 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý 3 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Các chuyên gia tại Kinh tế Việt Nam 2021 cho rằng, phải ngay lập tức có các biện pháp hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đã gần kề.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia cao cấp UNDP tại Việt Nam, nhận định: "Phải làm sao ngay trong ngắn hạn có thể chuyển tiền hỗ trợ đến với họ sớm nhất, nhất là khi Tết nguyên Đán đã gần đến. Cùng với đó, là tìm cách đưa lao động trở lại nơi làm việc thật an toàn. Những việc này vừa giúp bảo đảm an sinh xã hội, vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế".
Ngoài việc đảm bảo an toàn và thu nhập cho người lao động khi họ trở lại làm việc, theo các chuyên gia, về lâu dài, phải hướng đến mục tiêu "an cư, lạc nghiệp", không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy m2, điều kiện hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Năm 2009 đã Sửa luật nhà ở,Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu công nghiệp thì được phép xây dựng nhà ở luôn cho công nhân".
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị nên thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành.
Trao đổi với phóng viên VTV, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp phải có chính sách phúc lợi để thu hút người lao động trở lại. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan ở địa phương để cung - cầu gặp nhau.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nói: "Doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ trung tâm việc làm tại các tỉnh để 2 bên cung cầu lao động gặp được nhau. Bộ đề xuất hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân. Khi lao động quay trở lại chưa được tiêm vaccine sẽ được tiêm ngay. Sắp tới sẽ ban hành chương trình phát triển thị trường lao động của Bộ kết hợp chăt chẽ với các địa phương".
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với những cơ chế chính sách tập trung vào 7 nhóm giải pháp lớn và đang trình Chính phủ.
Sau giãn cách, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển hiện đang cao hơn từ 7-10% so với tháng trước dịch. Có thể thấy, ở lĩnh vực tài xế, giao nhận và công nhân, nhu cầu tuyển dụng đang cao hơn nhiều so với nhu cầu tìm việc. Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên VTV nhiều doanh nghiệp đang tăng tuyển dụng cho mùa Tết.
Tuyển dụng cuối năm: Nhân sự thành thạo công nghệ thông tin nhiều cơ hội
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động thời điểm hiện tại tăng từ 10-15% các chỉ tiêu tuyển dụng so với những tháng trước đây. Các nhóm ngành tuyển dụng nhiều nhất dịp cuối năm, cận Tết gồm có: bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, ngân hàng, chứng khoán, thông tin và truyền thông, sản xuất công nghiệp.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, cho biết: "Trong bối cảnh dịch này, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện tại các vị trí việc làm rất là cao và phù hợp trong từng hoạt động, từng công việc chính vì đó thì đây là những yêu cầu tăng lên trong dịch vừa rồi".
Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng ưu tiên phỏng vấn người lao động qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch gần nhất Trung tâm việc làm Hà Nội đã kết nối gần 10.000 chỉ tiêu việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động 6 tỉnh thành phía bắc và có hiệu quả kết nối khá tốt. Mức thu nhập được các doanh nghiệp chi trả phổ biến từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Muốn bán được hàng phải xem khách hàng muốn gì còn muốn thu hút người lao động cũng vậy, phải biết họ cần gì. Đây là Thống kê về các kỳ vọng mà người lao động mong muốn khi trở lại làm việc mà trang Việc làm tốt đưa ra, các doanh nghiệp có thể tham khảo, trong đó, nơi làm việc an toàn là yếu tố quan trọng nhất, chiếm 54%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!