Các cơn sốt đất trên thị trường bất động sản không còn xa lạ và vẫn lặp lại hàng năm. Nhiều người đánh giá dường như nó đã trở thành một hiện tượng không thể thiếu của thị trường bất động sản trong suốt một thập kỷ qua.
Kịch bản thường thấy là giá liên tục được thổi lên và vòng tròn mua bán gia tăng theo từng lớp. Đầu nậu, cò đất rời đi chỉ còn những người mua cuối cùng chịu thiệt.
Những cơn sốt đất ảo thường diễn ra chóng vánh và luôn vận hành theo một công thức như vậy. Nhưng thời gian gần đây tốc độ tạo sóng ngày một nhanh hơn.
Tốc độ tạo sóng giá bất động sản ngày một nhanh hơn
2 tuần trở lại đây, thị trường nhà đất ở các xã Đông Hội, Xuân Canh, Tàm Xá… huyện Đông Anh nhộn nhịp bất thường. Khu vực ven sông xã Xuân Canh, giá vốn chỉ dao động tầm 17 - 18 triệu đồng/m2, nay đã lên đến 30 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực khác giá còn tăng gấp đôi.
Diễn biến tăng giá mạnh xuất hiện ngay sau thông tin "Sắp có quy hoạch ven sông Hồng". Người dân sống ở đây cho biết, do có vị trí gần khu vực nội đô, nhiều người ngay lập tức đến tìm hiểu để mua nên rất thuận lợi cho các chiêu đẩy giá đất lên cao và khan hàng.
Khung cảnh náo nhiệt không khác gì một hội chợ bất động sản tại ổng một dự án tại huyện Đông Anh.
Không chỉ đất nông nghiệp, mà đất thổ cư, đất dự án cũng được săn đón. Trước cổng một dự án tại huyện Đông Anh, vài ngày qua, hàng trăm môi giới tụ họp về đây, tạo ra khung cảnh náo nhiệt không khác gì một hội chợ bất động sản.
Nhân viên môi giới nói: "Cơ sở hạ tầng của Đông Anh đang lên rất nhanh, nên giá đất cách đây 1 năm trước sẽ thấp hơn thời điểm này rất nhiều".
Hiện có 2 xu hướng đầu tư ở ven sông Hồng. Thứ nhất là đầu tư lướt sóng, đẩy giá tăng rồi bán kiếm lời. Thứ hai là mua gom để chờ đền bù.
Chiêu thức đẩy giá bất động sản
Chiêu thức phổ biến được các môi giới nhà đất sử dụng là tung tin đồn. Ví dụ: khu vực này sắp có Tập đoàn A, hoặc Tập đoàn B đến xây dựng dự án lớn. Nhiều trường hợp, trên mạng xã hội còn lan truyền văn bản giả kiến nghị nghiên cứu lập dự án của doanh nghiệp. Đợt sốt đất tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cách đây 1 năm chính là do nguyên nhân này.
Mới đây nhất là trường hợp sốt đất "ngắn kỷ lục" chỉ trong vòng 1 tuần tại Bình Phước cũng được tạo ra do tin đồn tỉnh chuẩn bị quy hoạch xây dựng sân bay Téc Níc. Việc tin đồn giả, nhưng gây ra sốt đất thật, ảnh hưởng rất lớn tới các địa phương.
Các đối tượng môi giới cũng có chiêu thức thông đồng bắt tay nhau để "thổi" giá. Họ thường huy động hàng trăm người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn, để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, giao dịch nhà, đất.
Thậm chí, mỗi lần có khách hàng đến văn phòng giao dịch, các môi giới sẽ thông tin cho những người khác nhập vai y như khách mua thật. Trường hợp khách còn chần chừ, người đóng vai khách mua sẽ lập tức làm thủ tục xuống tiền đặt cọc, trả cao hơn khách thật để tạo niềm tin, tạo sự nhộn nhịp giả.
Chiêu thức phổ biến được các môi giới nhà đất sử dụng là tung tin đồn. Ảnh minh họa.
Giải pháp chặn "sốt đất" tại các địa phương
Ngay trong tuần qua, chính quyền các địa phương, gồm tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã có văn bản cảnh báo và đưa ra các giải pháp nhằm "cắt" cơn sốt đất.
Những ngày đầu năm 2021, Bắc Giang trở thành điểm nóng của giới đầu cơ bất động sản. Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị "nóng", yêu cầu tăng cường kiểm tra các khu vực có dấu hiệu "sốt ảo" nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất đai.
Tại Bắc Ninh, trước thông tin Bắc Ninh sẽ trở thành đô thị loại 1, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố Từ Sơn trực thuộc tỉnh, giá đất ở đây đã dậy sóng. Đáng nói là nhiều dự án phân lô, bán nền trái phép khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thậm chí có dự án mới trúng đấu giá đất và vẫn là bãi đất trống. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra 6 dự án.
Người dân cần tỉnh táo để nhân diện được “bẫy” sốt đất ảo.
Các chuyên gia đánh giá, các chỉ đạo kịp thời nhằm "cắt" cơn sốt đất đang lan rộng từ chính các địa phương là "liều thuốc" tốt nhất thời điểm này. Bởi nếu để tình trạng sốt đất, thổi giá hoành hành, bong bóng bất động sản có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kêu gọi thu hút đầu tư của các tỉnh thành.
Với nhiều nhà đầu tư, hình ảnh những biệt thự hoang tàn, những khu đất trống chỉ để cỏ mọc - do hậu quả của những cơn sốt ảo - vẫn là nỗi ám ảnh đối với họ cho đến tận thời điểm này. Do vậy, quan trọng nhất vẫn là sự tỉnh táo của mỗi người trong mỗi quyết định mua bán.
Chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản - đã có những phân tích, bình luận giúp các nhà đâu tư có thêm thông tin để tránh bị cuốn vào hiệu ứng đám đông rồi rơi vào "bẫy" sốt đất ảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!