Quyết định chuyển nhượng đường cao tốc đưa ra rất kịp thời khi đất nước đang rất thiếu vốn và đây là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả và nhanh chóng nhất để nhờ đó, chúng ta có thể đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường khác. Tin vui đầu tiên là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được chuyển nhượng cho tập đoàn lớn nhất về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại Ấn Độ.
Mặc dù đến cuối năm 2015, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới được thông xe, tức là phải còn hơn 1 năm thi công nữa dự án mới hoàn thành, thế nhưng đã được Tập đoàn lớn nhất về đầu tư hạ tầng giao thông (IL&FS) của Ấn Độ quyết định rót vốn đầu tư.
Ông Danny Samuel, TGĐ Tập đoàn IL&FS cho biết: “Chúng tôi đã ký hợp đồng nguyên tắc trước sự chứng kiến của ngài Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 27 - 28/10/2014. Hợp đồng nguyên tắc đã được thỏa thuận, chúng tôi góp vốn 49% vốn pháp định và ViDiFi 51% vốn pháp định. Theo tiến độ xây dựng, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015 và tiền sẽ được chuyển vào trong khoảng thời gian đó”.
Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách hiện rất hạn hẹp, việc xây dựng các tuyến cao tốc cũng như các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để hiện đại hóa mạng lưới giao thông là không phải dễ dàng. Vì vậy, ngoài các hình thức xã hội hóa nguồn vốn xây dựng như BOT, BT hiện nay, chủ trương chuyển nhượng các dự án để lấy kinh phí đầu tư các dự án tiếp theo đã được Bộ GTVT thực hiện.
Hiện, Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (ViDiFi) đang nắm giữ 100% vốn pháp định tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Sau khi chuyển nhượng, cơ cấu quản lý dự án sẽ có sự thay đổi. ViDiFi 51%, Tập đoàn IL&FS Ấn Độ 49%. Theo nội dung ký kết, 49% vốn dự án sẽ được Tập đoàn IL&FS chuyển cho ViDiFi vào cuối năm 2015, 49% số lãi của dự án trong gần 31 năm phải được Tập đoàn IL&FS chuyển vào năm 2018. Nghĩa là ngân sách được thu lãi trước 29 năm.
Tập đoàn IL&FS khẳng định sẽ áp dụng công nghệ mới trong thu phí để tránh thất thoát, hay loại bỏ tình trạng xe quá tải để bảo vệ tuổi thọ của kết cấu đường nhằm hạn chế phí duy tu bảo dưỡng. Nếu 49% dự án được phía doanh nghiệp Ấn Độ quản lý hiệu quả cũng có nghĩa là 51% còn lại của ViDiFi cũng được sử dụng hiệu quả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.