Logistics là dịch vụ quan trọng về nhiều mặt của nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong ngành logistics nhờ vào tính chuyên nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên VTV Times về những định hướng, chiến lược để Lạng Sơn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước.
Ông Hồ Tiến Thiệu (Áo trắng) - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên VTV Times.
PV: Thưa Chủ tịch, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm của tất cả các loại hình đạt hơn 28.143 triệu USD, tăng 28,75% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông đánh giá, logistics có vai trò như thế nào?
Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển quan trọng, giúp kết nối hàng hóa trong nước và các nước ASEAN với Trung Quốc. Chính vì vậy, logistics, đặc biệt là dịch vụ logistics đường bộ, đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa được diễn ra thuận lợi, thông suốt và hiệu quả.
Đối với dịch vụ kho bãi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 kho lạnh và 20 kho hàng khô, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án liên quan đến logistics như: Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan,...; kêu gọi đầu tư dự án Cảng cạn Lạng Sơn quy mô 75ha nằm trong Tổ hợp Khu phi thuế quan, cảng cạn, đô thị và trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa quốc tế; đây đều là những dự án lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng tới hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh.
Dự án đầu tư Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Ở loại hình dịch vụ vận tải, toàn tỉnh có 18 bến xe đã công bố, trong đó 9 bến xe khách và 9 bến xe hàng. Các bến xe hàng tập trung chủ yếu tại các cửa khẩu trọng điểm của tỉnh, cơ bản đã được đầu tư xây dựng đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, lưu thông hàng hóa an toàn theo quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng dự án bến xe, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Dịch vụ thủ tục hải quan và ủy thác xuất nhập khẩu là một trong những dịch vụ phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua, chất lượng dịch vụ hải quan ngày càng được nâng cao để phù hợp với nhu cầu của chủ hàng, doanh nghiệp trong nước và đối tác Trung Quốc, tiết kiệm thời gian, giảm tải áp lực công việc và chi phí trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng sôi động, lượng hàng hóa tăng cao trong khi nguồn lực của cơ quan hải quan và chủ hàng hóa còn hạn chế.
Xin ông cho biết kế hoạch và chiến lược đầu tư phát triển ngành Logistics của tỉnh để Lạng Sơn hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước?
Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Để hướng tới Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và xuất nhập khẩu, thương mại biên giới.
Tiếp tục tăng cường nghiên cứu các định hướng, chiến lược phát triển dịch vụ logistics và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới. Tập trung chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt chú trọng nội dung về phát triển dịch vụ logistics.
Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, theo đó sẽ bổ sung vào quy hoạch một Trung tâm Logistics cao cấp nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu thông quan hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực thông quan hàng hóa cũng như phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về thương mại biên giới của tỉnh. Tăng cường hơn nữa việc thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics.
Sự kết nối, phát triển đồng bộ đã được triển khai ra sao, thưa ông?
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đối với hạ tầng giao thông, tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm về giao thông nhằm nâng cao năng lực vận tải, tăng khả năng kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Cao Bằng...; trước mắt tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm như: dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B; dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 93,3km, trong đó qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km; tuyến cao tốc Lạng Sơn - Quảng Ninh (đoạn Lạng Sơn – Tiên Yên); tuyến đường sắt liên vận Đồng Đăng – Bằng Tường và các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống đường nội bộ khu vực cửa khẩu.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong quan hệ giao thương Trung Quốc - Việt Nam - ASEAN và ngược lại.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics, XNK hàng hoá. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nền tảng cửa khẩu số, thường xuyên nâng cấp hệ thống, góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Tăng cường chỉ đạo nghiên cứu, phát triển đồng bộ hệ sinh thái số với các nền tảng chung, khai thác tối đa các nguồn dữ liệu, tự động hóa quy trình vận chuyển, xếp dỡ, phân loại bằng robot, phương tiện tự hành và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp cải thiện độ chính xác và giảm thiểu chi phí..., hướng tới phát triển ngành logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh dựa trên định vị vệ tinh và công nghệ 5G, sử dụng phương thức vận chuyển không người lái trên mặt đất, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị thông minh như thiết bị cẩu tự động và hệ thống kiểm tra container nhằm thực hiện các hoạt động thông quan không người lái 24/24 giờ không bị gián đoạn.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 sẽ xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Xin cảm ơn ông!
=> Các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, từ đó góp phần tiết giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian giao hàng, hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!