Lao động TP Hồ Chí Minh thu nhập cao nhất nước

VTV Digital-Thứ tư, ngày 13/04/2022 09:54 GMT+7

VTV.vn - Người lao động tại TP Hồ Chí Minh đạt thu nhập bình quân quý 1/2022 cao nhất cả nước với 8,9 triệu đồng/tháng, kế đó là Bình Dương, Đồng Nai.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 12/4 cho thấy thị trường lao động quý 1/2022 dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế khiến thu nhập của người lao động được cải thiện.

Lao động tại TP Hồ Chí Minh thu nhập bình quân mỗi tháng 8,9 triệu đồng, tăng 36,5%, tương đương 2,4 triệu đồng so với quý trước.

Lao động TP Hồ Chí Minh thu nhập cao nhất nước - Ảnh 1.

Người lao động tại TP Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân cao nhất cả nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Lao động tại Bình Dương thu nhập bình quân mỗi tháng 8,6 triệu đồng, tăng 54%, tương đương tăng 3 triệu đồng so với quý trước.

Tương tự tại Đồng Nai, thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động đạt 8,5 triệu đồng, tăng gần 33%, tương đương khoảng 2,1 triệu đồng.

Đông Nam Bộ - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 thứ tư, lại hồi phục mạnh mẽ và có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất cả nước, khoảng 8,3 triệu đồng, tăng 36% so với quý trước; đồng bằng sông Hồng đạt 7,4 triệu đồng; thấp nhất là Tây Nguyên 4,6 triệu đồng.

Quý 1 năm nay cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động vùng này đạt 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 27,8% so với quý trước.

Tính chung cả nước, thu nhập bình quân lao động mỗi tháng trong quý 1 đạt 6,4 triệu đồng, tăng gần 1 triệu so với quý trước. Do ảnh hưởng của dịch, mức thu nhập bình quân từng giảm sâu kỷ lục, xuống 5,2 triệu đồng hồi quý 3/2021.

Tổng cục phó Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhận định, đây là kết quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, tăng độ phủ vaccine. Các địa phương dù ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, thị trường lao động vẫn hồi phục mạnh.

Nối tiếp đà phục hồi từ quý 4/2021, bức tranh lao động việc làm quý 1/2022 tiếp tục khởi sắc khi số người chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch giảm sâu. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái trước khi đại dịch xảy ra.

So với quý trước, số người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của dịch giảm 7,8 triệu, xuống còn 16,9 triệu người, là mức thấp nhất ghi nhận kể từ thời điểm chịu tác động của COVID-19. Số người thất nghiệp cũng giảm gần nửa triệu so với quý trước, xuống còn 1,1 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp còn 2,46%, trong khi quý trước là 3,56%.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc đã tăng hơn 1 triệu, cán mốc 50 triệu lao động. Dịch vụ là khu vực phục hồi mạnh mẽ nhất khi lao động chiếm tỷ trọng 38,7%, tương đương 19,4 triệu người. Điều này phù hợp trong bối cảnh du lịch mở cửa, các địa phương dần khôi phục nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Để khắc phục hạn chế của thị trường lao động, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng cần triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống của người dân; bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước