Sinh viên có bằng cấp tại Trung Quốc cũng không dễ tìm việc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng phát triển chậm, khi mức tăng trưởng sụt giảm xuống chỉ còn 6,9% vào năm ngoái. Không chỉ thế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này còn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đặc biệt là những ngành thu hút nhân công như khoáng sản và công nghiệp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thậm chí hoạt động cầm chừng hoặc phá sản, khiến nhiều lao động nhập cư lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Là một lao động thời vụ, anh Tinglin mỗi năm lại phải lặn lội từ vùng quê Đông bắc Hắc Long Giang xa xôi lên tận Bắc Kinh để tìm việc. Nhưng việc thì chưa có, anh còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác.
Anh Duan Tinglin, Lao động nhập cư nói: "Càng ngày càng khó tìm việc vì tôi chỉ là lao động phổ thông, làm công ăn lương bình thường. Ngay cả ở các thành phố lớn, lượng lao động trung bình như tôi rất nhiều, mà việc phù hợp thì chẳng có mấy. Trong khi đó, chi phí ăn ở lại quá đắt đỏ”.
Lao động phổ thông gặp khó khăn đã đành, ngay cả những sinh viên có bằng cấp cũng không dễ dàng hơn, bởi những công việc cần tay nghề cao lại chỉ có ở thành phố lớn.
Anh Jia Yuliang, Sinh viên mới tốt nghiệp cho biết: “Nếu muốn làm việc trong ngành mình yêu thích hay mong muốn, thì có rất ít khả năng. Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu ở miền Nam, nhưng tôi không thể di chuyển đến đó để tìm việc”.
Trước khi tìm ra các giải pháp lâu dài, Chính phủ Trung Quốc hiện đang khuyến khích hơn 200 triệu nhân lực là lao động nhập cư và phần lớn Cử nhân mới tốt nghiệp lựa chọn cách tự khởi nghiệp và tự tìm kiếm cơ hội việc làm ở địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!