Không cần trực tiếp tới vườn nhưng cây cà phê vẫn đủ nước tưới, đủ lượng phân bón đúng theo tiêu chuẩn, thay vì 4 năm mới cho thu hoạch nay chỉ cần 3 năm, đây là mô hình tái canh cây cà phê đang được tỉnh Đăk Lăk thực hiện nhằm giúp nông dân có kiến thức canh tác cà phê bền vững, thông minh. Mô hình liên kết 3 nhà gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân nhằm cung cấp giải pháp kỹ thuật cho bà con thông qua hình thức hỗ trợ 100% phân bón, cây giống và hệ thống tưới nhỏ giọt. Các hộ dân sẽ được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 60 triệu đồng/ha để tăng giá trị sử dụng cho vườn cà phê, hạn chế sâu bệnh. Với hướng đi này, tỉnh Đăk Lăk kỳ vọng sẽ hoàn thành việc tái canh bền vững 29.600ha cây cà phê vào năm 2020.
Trong thời gian qua, việc tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn do người dân thiếu vốn, nguồn giống và kỹ thuật canh tác, diện tích cây cằn cỗi chiếm tỷ lệ khá cao. Việc liên kết chặt chẽ 3 nhà đang là hướng mở giúp cây cà phê nâng cao năng suất và chất lượng trong tương lai.
Theo Đề án tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, khu vực này sẽ tái canh khoảng 120.000ha. Mặc dù đã đi được 2/3 chặng đường, diện tích cây cà phê già cỗi cần được chuyển đổi vẫn có chiều hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê hạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!