Theo ngành chức năng, thương lái là thành phần trung gian kết nối trong việc mua bán lúa của nông dân với doanh nghiệp. Lực lượng này tồn tại được là do hai bên không có mối liên kết cũng như không đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa đến tận nơi cần bán hoặc mua. Nếu như thương lái là khâu trung gian đầu tiên, "cò" lúa là tầng nấc thứ 2. Sau khi kết nối mua bán thành công, thường các thương lái sẽ trả phí cho "cò".
Với những cánh đồng xa, mức phí trả cho "cò" sẽ cao hơn, buộc thương lái phải giảm giá thu mua để bù lại. Điều đáng nói, có trường hợp "cò" và thương lái bắt tay nhau nhằm ép giá nông dân. Để không bị rơi vào tình cảnh như vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp thay vì phải thông qua "cò" hay thương lái. Cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Trong bối cảnh thị trường lúa gạo liên tục biến động, hơn ai hết nông dân, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến mối liên kết nói trên. Việc gắn kết này không chỉ xóa bỏ chi phí trung gian mà còn là yếu tố then chốt để hai bên cân đối cung cầu, đảm bảo giá cả và đầu ra tốt nhất. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư hệ thống thu mua, nông dân nên liên kết, qua đó có diện tích canh tác lớn thay vì sản xuất manh mún như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!