Tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, giúp khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch và xây dựng đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI.
Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, minh bạch là điều kiện tiên quyết để thu hút vốn nước ngoài. Với cách làm linh hoạt đang được thực hiện, Đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng sẽ tạo được thiện cảm, niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI.
Nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long
Thay vì chờ doanh nghiệp đến thì tỉnh Vĩnh Long đã sang Ấn Độ để bàn các cơ chế hợp tác vào tháng 11 năm 2023. Đầu tháng 3 năm nay, các tập đoàn, doanh nghiệp của nước bạn sang tận Vĩnh Long để xúc tiến đầu tư. Lĩnh vực thương mại; giáo dục, du lịch, công nghệ và y tế rất được phía Ấn Độ quan tâm. Nhiều thỏa thuận, hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên đã được ký kết tại tỉnh.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Sự kiện này rất quan trọng vì là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tại Vĩnh Long. Nhưng chắc chắn rằng sẽ tổ chức thường xuyên hơn. Đồng thời tôi xin mời các doanh nghiệp sang Ấn Độ để xem qui mô dự án. Tất cả chúng ta phải nỗ lực đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới trên các lĩnh vực".
Còn ở Sóc Trăng, đi vào hoạt động cách đây 3 năm, Công ty chuyên sản xuất các loại quần áo bảo hộ, khẩu trang công nghiệp và y tế. Nhờ đó, hơn 800 lao động địa phương đã được tạo việc làm với mức thu nhập ổn định mà không phải xa quê.
Ông Shin Jeong Gyun - Giám đốc Công ty TNHH Mediprotek Vina cho biết: "Công ty được tạo nhiều thuận lợi và tiếp nhận các chính sách hỗ trợ từ tỉnh Sóc Trăng. Các cơ quan ban ngành cũng đã gửi Công văn tìm hiểu và quan tâm hỗ trợ các vấn đề khó khăn và kịp thời giải quyết các vướng mắc cho Doanh nghiệp nếu có".
Sóc Trăng có 21 Dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 23.400 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đã hoạt động và 10 dự án đang triển khai thủ tục.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng nêu ý kiến: "Rút gọn nhất các thủ tục, thực hiện nhanh nhất các thủ tục hành chánh, tránh phiền hà cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giao đầu mối, tập trung cho Sở Kế hoạch và Đầu tư mà trực tiếp là Trung tâm xúc tiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư tất cả các khâu".
Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, nguồn lao động dồi dào, chất lượng được nâng lên cùng những chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh thành trong vùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!