Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa trở thành ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, do lo ngại lạm phát leo thang.
Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa diễn ra cũng bày tỏ quan điểm sẽ tăng tốc siết hỗ trợ, dự kiến có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
Trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đồng loạt có động thái tăng lãi suất, vậy xu hướng lãi suất của Việt Nam trong năm 2022 được dự báo ra sao?
Lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gây áp lực không nhỏ đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Tại một hội thảo trực tuyến mới được tổ chức, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Nguồn vốn và Ngoại hối, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng với mặt bằng lãi suất duy trì thấp như hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, chưa có yếu tố khiến lãi suất có thể bật tăng mạnh trở lại trong năm 2022.
Phân tích lý do đưa ra nhận định trên trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng Trung ương đang xem xét thắt chặt chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó có FED, ông Lê Quang Trung cho biết, các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện vẫn khá ổn định.
Đầu tiên phải kể đến yếu tố lạm phát, trong 11 tháng năm 2021, lạm phát bình quân chỉ ở mức 1,84% và đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Ngay cả lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 0,82%, lạm phát lũy kế khoảng 2%... trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021 là 4%. Như vậy Việt Nam còn nhiều dư địa để kiềm chế lạm phát.
Về cán cân thương mại, kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục thặng dư cán cân thương mại, nhất là năm 2020 xuất siêu đạt gần 20 tỷ USD. Dù có thời điểm trong năm 2021 phải nhập siêu, nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã xuất siêu trở lại và dự kiến có thể đạt trên 2 tỷ USD. Việc xuất siêu liên tục sẽ giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng cao, qua đó giúp ổn định vĩ mô và giá trị VND.
Thêm vào đó, giá trị của tiền đồng VND đang tăng giá so với nhiều loại tiền tệ khác, chẳng hạn như tăng gần 1% so với đồng USD và tăng hơn 4% so với rổ đồng tiền có đối tác thương mại với Việt Nam (tính đến cuối tháng 11/2021). Điều này giúp cho Việt Nam giảm bớt nhập khẩu lạm phát. Đồng thời, khi giá trị đồng tiền tăng lên, lãi suất sẽ có xu thế đi ngang hoặc đi xuống.
Các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng cho rằng, áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 là không lớn. Dù vừa qua có một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất nhưng đây chỉ là để có dư địa giải quyết nguồn vốn cho tín dụng cuối năm.
Bởi lẽ, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Lượng tiền VND được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200.000 - 300.000 tỷ đồng. Các chỉ số liên quan như: tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR); vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức an toàn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã tìm đến các nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế, nhằm tạo thêm dư địa hạ lãi suất.
Mặc dù lạc quan, nhưng rõ ràng lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gây áp lực không nhỏ đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, để xác định dư địa giảm lãi suất tiếp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó có lạm phát. Trong năm 2021, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% nhiều khả năng có thể đạt được, nhưng sang năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, các nền kinh tế của thế giới đã dần phục hồi khi chiến lược tiêm vaccine bao phủ, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng. Nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu/GDP đã lên 200% nên áp lực rủi ro nhập khẩu lạm phát là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm nay, Việt Nam kiềm chế lạm phát khá tốt, khả năng chỉ quanh mức 3%. Việc kiểm soát lạm phát tốt sẽ giúp giữ giá trị tiền VND, tỷ giá VND sẽ đi ngang so với đầu năm. Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế hiện nay, việc giữ mức lạm phát như năm 2021 sẽ là rất khó khăn.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng việc các nền kinh tế lớn đồng loạt có động thái tăng lãi suất để đối phó với lạm phát leo thang sẽ gây ra phản ứng dây chuyền, kéo theo cuộc đua lãi suất trên toàn cầu. Bởi nếu không đẩy lãi suất lên theo, giá trị đồng tiền của các nước sẽ tụt xuống. Tỷ giá đồng USD theo đó có thể tăng mạnh trong năm 2022.
Tại Việt Nam, việc tăng lãi suất sẽ đi ngược với chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, chính sách tiền tệ của các nước có thể sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam. Chưa kể, các vấn đề còn tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước.
Vị chuyên gia này đưa ra 2 kịch bản lãi suất trong năm 2022, tùy thuộc vào diễn biến dịch COVID-19 trong nước. Ở kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại, nhiều khả năng lãi suất sẽ bật tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao, tối đa cũng chỉ từ 0,5 - 1 điểm %.
Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự xâm nhập của biến thể Micromon gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, nền kinh tế thì nhiều khả năng Chính phủ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng cách giữ mặt bằng lãi suất thấp. Với kịch bản này, lãi suất có thể giảm từ 0,25 - 0,5 điểm % trong năm 2022.
Giới phân tích cũng cho rằng, bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ (nếu có) sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là từ quý 3/2022 và mức độ tăng lãi suất khi đó sẽ rất hạn chế, ở mức từ 0,25 - 0,5 điểm %.
Theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022, nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Họ có thể sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở, như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!