Đây là giải pháp mới nhằm tạo thêm kênh hỗ trợ vốn, tăng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân quỹ.
Trái phiếu Chính phủ là loại giấy tờ có giá, thường được các ngân hàng đem đi cầm cố để vay mượn lẫn nhau khi cần vốn, hoặc vay Ngân hàng Nhà nước qua thị trường mở, nhưng nay, ngân hàng có thể đem tới Kho bạc Nhà nước, thông qua nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Phiên đầu tiên, 4 ngân hàng đã tham gia đấu thầu cạnh tranh lãi suất, 2 ngân hàng trúng thầu, huy động được 300 tỷ đồng từ tiền nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước đã mở rộng hơn đối tượng và kỳ hạn. Có 18 ngân hàng được phép đấu thầu, tập trung nhiều ở kỳ hạn ngắn, từ 7 - 14 - 21 ngày, hoặc 1 đến 3 tháng. Ngân hàng nào đấu thầu lãi suất cao nhất sẽ trúng thầu. Lãi từ khoản này sẽ được Kho bạc Nhà nước nộp vào ngân sách.
(Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Ngoài việc sử dụng ngân quỹ gửi tiền ở ngân hàng thương mại thì thêm một kênh nữa đưa tiền ra thị trường. Hình thức này cũng đảm bảo tính công khai, thực hiện đấu thầu cạnh tranh lãi suất thông qua hệ thống của Kho bạc Nhà nước. Toàn bộ thông tin được công khai trên web của Kho bạc Nhà nước", Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước, Lưu Hoàng, cho biết.
"Nó sẽ tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chậm, bây giờ họ thay cách làm này bằng cách cho tổ chức tín dụng vay và cầm cố giấy tờ có giá, đây có thể là cách làm mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, có thêm kênh hỗ trợ vốn từ Kho bạc Nhà nước sẽ giúp hạn chế tình trạng chạy đua lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường như trước kia, mỗi khi các ngân hàng bị căng thẳng thanh khoản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!