Hiện có nhiều ý kiến về cơ cấu phân khúc nhà ở chưa hợp lý, quá nhiều nhà giá cao, trong khi nhà bình dân, nhà ở giá thấp lại hiếm, thậm chí là quy hoạch dự án tại một số địa phương chưa thật sự hợp lý. Xung quanh các ý kiến này, phát biểu tại Hội nghị về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" cuối tuần trước, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Những vùng đất đẹp, có lợi thế nhiều mặt là phải dành cho kinh doanh mới có công ăn việc làm. Có công ăn việc làm mới có người đến làm, có người đến ở, mới có người mua nhà. Có người mua nhà mới phát triển được bất động sản, mới phát triển được đô thị.
Gần 20 năm tham gia thị trường, ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Everland cho biết, các dự án bất động sản luôn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, việc xem xét các dự án có thật sự phù hợp, mang lại công ăn việc làm, thu hút người dân đến ở hay không, không phải dự án nào cũng được tính toán kỹ.
"Chính quyền địa phương là người hiểu hơn ai hết những tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của địa phương mình. Còn doanh nghiệp bất động sản thường nhìn đến những cái ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng cần phải có sự chung tay giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải thay đổi tư duy lâu nay, cách làm lâu nay. Chúng ta thay vì nhìn vào những lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà quên đi nền tảng sâu xa đó là phải phát triển kinh tế xã hội, công ăn việc làm… phải có cộng đồng dân cư mới có bất động sản", ông Vinh nói.
Để phát triển bất động sản bền vững, các địa phương và các doanh nghiệp trước hết phải tạo công ăn việc làm cho người dân. Ảnh minh họa.
Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh tình trạng nhiều dự án khó bán hàng do thuộc phân khúc cao cấp, giá cao, khiến đại đa số người dân khó tiếp cận cũng có những dự án nhiều người mua chỉ nhằm mục đích đầu cơ, không đến ở, gây ra sự lãng phí rất lớn. Trong khi những người có nhu cầu nhà ở thật lại không thể với tới nên đã gây ra nghịch lý chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ cho biết: "Tôi rất đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về phát triển kinh tế - xã hội. Bất động sản chỉ là một mảng trong nền kinh tế nói chung. Chắc chắn nền kinh tế phải phát triển, sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải phát triển, người dân mới có tiền có tích lũy để mua bất động sản. Đất đai là tài nguyên hữu hạn, nguồn thu đó chỉ là nguồn thu trước mắt. Còn muốn phát triển lâu dài, bền vững đều phải từ sản xuất và thu thuế từ sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ trong tương lai cũng phải điều chỉnh lại quy hoạch chung để đảm bảo yếu tố không dư thừa, lãng phí để mất nguồn lực đổ vào sản xuất kinh doanh".
Nhiều bất động sản đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa có người đến ở có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo các chuyên gia, một phần ở việc thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch. Không ít dự án chỉ tập trung xây nhà, không quan tâm tới hạ tầng xung quanh, hay dự án có nằm trong khu vực có các dịch vụ, cơ sở, công ăn việc làm, thuận lợi cho người dân hay không. Bên cạnh đó, mức giá cao so với thu nhập của người dân.
Nhà nước đã đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà bình dân đang được khuyến khích trở lại. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đồng ý dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Everland đánh giá: "Hội nghị vừa qua tôi cho là một trong những hội nghị chất lượng nhất. Tôi cho rằng hiện nay từ trên xuống dưới từ chính phủ đến doanh nghiệp đều đã thống nhất nhận thức nhìn nhận đúng những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản hiện nay cần thêm nguồn vốn tín dụng tiếp ứng cho thị trường".
Nhiều ý kiến kỳ vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp cụ thể từ địa phương, từ các doanh nghiệp, các khó khăn của thị trường bất động sản sẽ sớm được tháo gỡ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!