Dịch nCoV cũng gây nhiều trở ngại đến giao thương biên mậu. Có tới 90% thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ nay đến tháng 3/2020, tại các tỉnh trọng điểm trồng thanh long như Long An, Tiền Giang và Bình Thuận, sẽ có khoảng 200.000 tấn thanh long được thu hoạch. Việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long đang là vấn đề đặt ra.
Ngay trong sáng 5/2, tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp cho mặt hàng này.
Ngoài 2.000 tấn thanh long đang tồn trong các kho lạnh, với thời gian bảo quản không quá 30 ngày, Long An dự kiến sẽ còn khoảng 28.000 tấn nữa cần tiêu thụ từ nay đến cuối tháng 2/2020. Điều này có nghĩa là ngay từ bây giờ, nếu đầu ra chính là thị trường Trung Quốc vẫn không ăn hàng, ngoài chuyện thua lỗ, bà con nhà vườn cũng chẳng biết xử lý sao với một lượng lớn thanh long đến kỳ thu hoạch.
Theo Hiệp hội Thanh long Long An, nhiều công ty có sức mua lớn của Trung Quốc đặt cọc mua thanh long với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng đến nay đều ngưng không mua, chỉ chấp nhận hỗ trợ 4.000 đồng/kg hoặc mua phá giá với mức 5.000 đồng/kg.
Trước tình hình này, Hiệp hội đã thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho các nhà kho, thương lái và nông dân. Tuy nhiên, do lượng hàng quá nhiều nên một số nhà kho đã phải đóng cửa không thu mua. Long An hiện có 154 cơ sở thu mua, chế biến thanh long, trong đó khoảng 15 cơ sở có bán trực tiếp sang Trung Quốc, còn lại là gia công, đóng gói.
Một số giải pháp, đề xuất đã được đưa ra từ cuộc họp này là phát triển thị trường mới, hỗ trợ các cơ sở mua, chế biến về vốn vay, gia hạn nợ vay, giảm lãi vay, giảm thuế, giảm tiền điện... để tiếp tục kinh doanh hay hỗ trợ chung cho những nhà vườn chưa bán. Ngoài ra, Long An cũng kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ thanh long ngay tại thị trường trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!