Đất đai có thể coi là kế sinh nhai với người nông dân, cũng là nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng nếu cứ sản xuất manh mún trên diện tích nhỏ hoặc đi thuê đất thì sẽ bó hẹp sức sản xuất, nhu cầu đầu tư, phát triển nông nghiệp. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua được kỳ vọng có thể khơi thông được nguồn lực này.
Máy móc hàng chục triệu đồng để phơi ngoài đồng hay lúa thu hoạch về không đủ kho phải để ngoài trời đắp bạt, đó là tình trạng chung của nhiều hộ sản xuất đại điền ở đồng bằng sông Hồng. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi không chỉ giúp người dân có quyền tiếp cận đất đai mà còn kết hợp hạ tầng thương mại dịch vụ phục vụ sản xuất lớn.
Ông Dân đã có kế hoạch cho những thay đổi về nhà xưởng. Bên cạnh đó là những thuận lợi về pháp lý. Để có 30 ha ruộng, ông đã phải làm việc với 500 hộ dân. Mặc dù hơp đồng 5 năm nhưng thời điểm giá lúa cao như hiện nay, có hộ vẫn đòi lại ruộng khiến ông không yên tâm sản xuất. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này với tính pháp lý cao hơn sẽ là lời giải.
Ông Đỗ Văn Dân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền tỉnh Thái Bình - chia sẻ: "Chúng tôi sẽ được thuê, mua bán trên danh nghĩa chuyển nhượng với thời gian dài hơn chứ trước đây thuê trên văn bản của thôn chứ không như bây giờ, Luật Đất đai có chính quyền làm chứng thì sẽ thuận lợi hơn".
Luật cũng tạo thuận lợi cho những chuyển đổi. Thời gian tới, một nhà máy chế biến nông sản có vốn đầu tư 600 tỷ đồng với công suất 5000 tấn/năm sẽ được xây dựng trên mảnh đất này, đưa Thái Bình trở thành trung tâm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng.
Trước chỉ nông dân hộ khẩu ở quê được nhận đất làm nông nghiệp thì giờ mở rộng có nhà đầu tư, nhà có công nghệ tạo cơ hội cho người có vốn, có trình độ quản lý, nắm được công nghệ đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy nhanh sản xuất hàng hóa. Luật mới huy động được nguồn lực xã hội thì hiện tượng bỏ hoang ruộng, ly nông ly hương sẽ giảm đi.
Không chỉ tác động xã hội, hơn 28 triệu ha đất nông nghiệp sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế đột phá khi những rào cản lâu nay được tháo gỡ. Việc nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần cũng được đánh giá là quy mô phù hợp với trình độ quản lý hiện nay của các tổ chức, cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!