"Luồng xanh" vận tải thủy cho nông sản ĐBSCL cần được đẩy mạnh

VTV Digital-Thứ tư, ngày 25/08/2021 06:17 GMT+7

VTV.vn - ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội, giải pháp "luồng xanh" vận tải đường thuỷ cần được đẩy mạnh.

Vụ lúa Hè Thu tại ĐBSCL đang vào lúc thu hoạch cao điểm. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành trong vùng đều đang áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 16 khiến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng này đang đứng trước nhiều khó khăn. Vậy các giải pháp tháo gỡ đang được các Bộ ngành, địa phương triển khai ra sao?

Kiến nghị gỡ khó cho lúa gạo tại ĐBSCL

ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước đến thời điểm này đã thu hoạch được khoảng 920.000 ha, tương đương hơn 5,5 triệu tấn. Hiện còn gần 4 triệu tấn nữa nằm đang nằm trên đồng và dự kiến sẽ được thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng sau.

Cánh đồng, nhà máy và cảng xuất khẩu là 3 đầu mối chính trong quá trình thu hoạch và vận chuyển lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do hiện nay tất cả các nơi ở ĐBSCL đều đang phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên lực lượng nông dân gặt lúa trên đồng, công nhân đóng gạo tại nhà máy và nhân lực bốc xếp tại cảng đều thiếu hụt rất lớn.

Bên cạnh đó, khâu lưu thông cũng đang gặp khó khi một số nơi vẫn có tình trạng ghe thuyền từ tỉnh khác không thể đi vào để thu mua lúa từ cánh đồng đưa về nhà máy.

Tỉnh Kiên Giang hiện còn gần 1,3 triệu tấn lúa Hè Thu, chiếm 1/3 sản lượng chưa thu hoạch của cả vùng ĐBSCL. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện "luồng xanh" trong nội tỉnh và sẵn sàng phối hợp với các tỉnh khác để triển khai "luồng xanh" liên tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị nếu có đủ các điều kiện như giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, giấy chứng nhận đội ghe thuộc doanh nghiệp thu mua lúa gạo và có kế hoạch giao nhận lúa gạo trong thời hạn 15 ngày thì phương tiện được vào "luồng xanh", có thể lưu thông thuận lợi giữa các tỉnh trong vùng.

Các doanh nghiệp và địa phương đã nêu ra nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển lúa từ cánh đồng đến nhà máy.

Luồng xanh vận tải thủy cho nông sản ĐBSCL cần được đẩy mạnh - Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Dân trí.

Mặc dù hiện nay các cung đường đã bắt đầu hình thành những "luồng xanh" những chủ yếu mới chỉ là trong nội bộ tỉnh. Tuy nhiên, đa phần lúa trong tỉnh lại được các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào thu mua nên rất cần mở rộng "luồng xanh" ra nhiều tỉnh, thành trong vùng.

Khâu lưu thông tiếp theo là từ nhà máy đến cảng xuất khẩu có 2 tuyến đường thuỷ chính mà các xà lan chở gạo thường đi từ ĐBSCL đến các cảng biển của khu vực TP Hồ Chí Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu: Một là hành lang đồng tháp mười và tứ giác long xuyên, đi qua các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An; tuyến thứ 2 là tuyến duyên hải qua các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An đến TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong điều kiện dịch bệnh, vận tải đường thuỷ được cho là thuận lợi, ít tiếp xúc và vận chuyển sản lượng lớn hơn nhiều so với đường bộ. Tuy nhiên, với đặc thù đi qua nhiều tỉnh, thành nên việc khơi thông "luồng xanh" đường thủy sẽ góp phần vận chuyển hiệu quả gạo xuất khẩu cho cả vùng Tây Nam Bộ.

Tập trung khơi thông "luồng xanh" vận tải thuỷ cho nông sản ĐBSCL

Khác với đường bộ, vận tải đường thuỷ tại ĐBSCL đã khá thông suốt vì hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Theo lãnh đạo Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, việc triển khai "luồng xanh" đường thuỷ sẽ theo hướng phương tiện xanh và con người xanh.

Đại diện Cục đường thuỷ nội địa cũng cho biết, hiện đang phối hợp với Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng phần mềm cung cấp mã nhận diện QR để phương tiện vận tải thuỷ đăng ký vào "luồng xanh".

Tuy nhiên, với nhiều người dân sử dụng các loại ghe thuyền nhỏ, việc ứng dụng công nghệ là không dễ. Do vậy, các cảng vụ đường thuỷ vẫn phải thường xuyên thông báo đến các chủ phương tiện để chủ động đáp ứng quy định phòng chống dịch của các địa phương trên tuyến vận tải.

Luồng xanh vận tải thủy cho nông sản ĐBSCL cần được đẩy mạnh - Ảnh 2.

"Luồng xanh" vận tải thuỷ cho nông sản ĐBSCL cần được đẩy mạnh. Ảnh minh họa - TTXVN.

Cũng theo một số doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu gạo lớn trong vùng, để "luồng xanh" đường thuỷ phát huy hiệu quả, các địa phương cần có sự thống nhất, đồng bộ trong các yêu cầu phòng chống dịch.

Ví dụ tỉnh An Giang hiện đang quy định giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 của người đi trên phương tiện chỉ có thời hạn 24h, trong khi các tỉnh, thành khác đang áp dụng là 72h.

Ngoài ra, cũng cần xem xét kéo dài thời gian di chuyển của các phương tiện vận tải thuỷ và mở rộng địa phận được phép đi lại của các đầu mối thu mua khi có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.

Việc tạo "luồng xanh" đường thuỷ không chỉ quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo mà sắp tới còn để thúc đẩy lưu thông cho gần 1,5 triệu tấn rau củ và 1,7 triệu tấn trái cây của ĐBSCL từ nay đến cuối năm.

Không để việc kiểm dịch làm tắc “luồng xanh” quốc gia Không để việc kiểm dịch làm tắc “luồng xanh” quốc gia Xử lý nghiêm việc lợi dụng “luồng xanh” để chở người, hàng hóa cấm Xử lý nghiêm việc lợi dụng “luồng xanh” để chở người, hàng hóa cấm Vì sao xe 'luồng xanh' vẫn không được vào TP Cần Thơ? Vì sao xe "luồng xanh" vẫn không được vào TP Cần Thơ?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước